(Kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2013)
Chiến tranh đã lùi xa trên 30 năm, nhưng hậu quả còn để lại rất nặng nề. Trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành cho thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với Cách mạng sự chăm lo chu đáo, ổn định và từng bước cải thiện mức sống theo đà tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước. Thông qua nhiều phong trào, trong đó phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã mang đến những gia đình chính sách sự giúp đỡ về tinh thần vật chất đáng kể, đồng thời mang theo tình cảm sâu nặng tràn đầy.
Đất nước ta có được hòa bình, dân tộc ta được ấm no hạnh phúc như hôm nay là nhờ sự chiến đấu hy sinh lớn lao của nhiều thế hệ. Đó là lúc: “Tổ quốc lâm nguy, giang sơn sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải ruộng nương, nhà cửa ao vườn làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh” (Thư của Bác Hồ gửi Ban tổ chức ngày Thương binh toàn quốc 27/7/1947).
Có lẽ ít dân tộc nào trên thế giới lại chịu những tổn thất to lớn trong hai cuộc kháng chiến như dân tộc ta. Gần 2 triệu thương binh liệt sỹ, hàng triệu người nhiễm chất độc hóa học, trên 500 trẻ em bị dị dạng, gần 2 triệu người tàn tật. Ngoài ra, còn biết bao nhiêu chiến sỹ Cách mạng tù đày bị địch thủ tiêu không còn địa chỉ chưa được xác minh.
Chúng ta không chỉ biết ơn người đã khuất, mà còn biết ơn hàng ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh “cắt khúc ruột” của mình cho Tổ quốc. Các Mẹ đã được các cơ quan, đoàn thể nhận phụng dưỡng. Nhưng còn biết bao gia đình liệt sỹ, thương binh ở vùng sâu vùng xa còn đang khó khăn, còn biết bao anh chị em thanh niên xung phong, giờ đây chỉ còn sống trong hoài cảm với quá khứ. Trong chiến tranh có biết bao các đồng chí lãnh đạo của Đảng Nhà nước lo trong cái lo của xã hội, sướng trong cái sướng của nhân dân, vẫn một tấm lòng trung thành với Đảng với nhân dân.
Bằng tình thương và trách nhiệm nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh chúng ta đã vận động các tổ chức cá nhân tặng trên 6 ngàn sổ vàng tình nghĩa với số tiền trên 3 tỷ đồng, phụng dưỡng gần 400 bà mẹ Việt Nam anh hùng với mức tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng mỗi tháng, xây dựng nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với số tiền hàng trăm tỷ đồng, v.v…
Lúc sinh thời Bác Hồ đã giành cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ những tình cảm đặc biệt và tấm lòng thương yêu vô hạn. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7 Bác Hồ không chỉ có thư thăm hỏi mà còn gửi quà cho thương binh và gia đình liệt sỹ. Bác không những đề cao sự cống hiến của thương binh liệt sỹ mà còn đề cao sự cống hiến của gia đình họ.
Trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài liệt sỹ ngày 31/12/1954, Bác nói: “Các liệt sỹ đã hy sinh, những công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước. Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sỹ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Máu của các liệt sỹ đã nhuốm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh.”
Trước lúc đi xa tháng 5 năm 1968, Người còn viết trong chúc thư để dặn dò những người ở lại: “Việc quan trọng sau chỉnh đốn Đảng là phải chăm lo đối với những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh một phần xương máu và những người đã trở thành liệt sỹ cùng thân nhân của họ, quyết không để họ đói rét.”
Giờ đây Bác đã đi xa, nhưng tấm lòng của Bác đối với thương binh liệt sỹ còn sống mãi với non song đất nước.
Hơn sáu mươi năm trôi qua một thời gian đủ để cho chúng ta nhìn lại và tự hào với những gì Đảng và Nhà nước, các ngành, các đoàn thể, cùng toàn dân, toàn quân chăm lo đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thương binh gia đình liệt sỹ, người có công với Cách mạng.
Nhân kỷ niệm ngày 27/7 năm nay các cấp Ủy Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, chúng ta rất tự hào với lớp người đi trước đã cống hiến cho độc lập, tự do. Để hôm nay chúng ta phát huy và tiếp nối truyền thống của cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện tốt chính sách Thương binh liệt sĩ là góp phần tạo sự ổn định về chính trị - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, người có công với Cách mạng.