SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
6
6
0
8
9
Tin tức sự kiện 24 Tháng Sáu 2013 4:45:00 CH

Tìm hiểu luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành

Theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X, kỳ họp thứ 7 (Từ ngày 09 tháng 5 đến ngày 09 tháng 6 năm 2000). Luật Hôn nhân và Gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000 được gọi là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Việc áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Luật Hôn nhân và Gia đình được thực hiện như sau:

a/ Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;

b/ Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết;

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

c/ Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 của Nghị quyết số 35/2000/QH10, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án áp dụng Khoản 2 và Khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết.

Luật hôn nhân và gia đình có nhiệm vụ góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Nhằm phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong quận tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình, Phòng Tư pháp quận 11 biên soạn tài liệu theo hình thức hỏi, đáp sau đây:

1/ Hỏi: Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình?

Trả lời: Có 6 nguyên tắc cơ bản:

1/ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

2/ Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

3/ Vợ chồng có nghiã vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

 4/ Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.

5/ Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú.

6/ Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ.

2/ Hỏi: Việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình ra sao?

Trả lời: Việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình được luật quy định như sau:

1/ Quan hệ hôn nhân và gia đình thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2/ Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi.

Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Cấm ngược đãi, hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em và các thành viên khác trong gia đình.

3/ Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3/ Hỏi: Chế độ hôn nhân và gia đình là gì?

Trả lời: Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn, nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ, con, con nuôi, giám hộ, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

4/ Hỏi: Kết hôn là gì?

Trả lời: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

5/ Hỏi: Kết hôn trái pháp luật là gì?

Trả lời: Kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định.

6/ Hỏi: Tảo hôn là gì?

Trả lời: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.

7/ Hỏi: Cưỡng ép kết hôn là gì?

Trả lời: Cưỡng ép kết hôn là hành vi buộc người khác phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ.

8/ Hỏi: Hôn nhân là gì?

Trả lời: Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn.

9/ Hỏi: Thời kỳ hôn nhân là gì?

Trả lời: Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân.

10/ Hỏi: Ly hôn là gì?

Trả lời: Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của cả hai vợ chồng.

11/ Hỏi: Cưỡng ép ly hôn là gì?

Trả lời: Cưỡng ép ly hôn là hành vi buộc người khác phải ly hôn trái với nguyện vọng của họ.

12/ Hỏi: Gia đình là gì?

Trả lời: Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

13/ Hỏi: Cấp dưỡng là gì?

Trả lời: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định cuả Luật Hôn nhân và gia đình.

14/ Hỏi: Những người cùng dòng máu về trực hệ gồm những ai?

Trả lời: Những người cùng dòng máu về trực hệ là cha, mẹ đối với con; ông, bà đối với cháu nội và cháu ngoại;

15/ Hỏi: Những người có họ trong phạm vi ba đời là gồm những ai?

Trả lời: Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba.

16/ Hỏi: Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình như thế nào?

Trả lời: Là quan hệ hôn nhân và gia đình:

a/ Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài;

b/ Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam;

c/ Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

17/ Hỏi: Điều kiện kết hôn?

Trả lời: Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ theo các điều kiện sau đây:

1/ Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;

2/ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở;

3/ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

18/ Hỏi: Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình cấm những trường hợp nào?

Trả lời: Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình cấm kết hôn trong những trường hợp sau đây:

1/ Người đang có vợ hoặc có chồng;

2/ Người mất năng lực hành vi dân sự;

3/ Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

4/ Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

5/ Giữa những người cùng giới tính.

19/ Hỏi: Việc đăng ký kết hôn phải được đăng ký ở đâu?

Trả lời: Việc đăng ký kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật Hôn nhân và Gia đình đều không có giá trị pháp lý.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Vợ chồng đã ly hôn muốn kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.

20/ Hỏi: Điều 14 Luật Hôn nhân và Già đình quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định. Tổ chức đăng ký kết hôn

Khi tổ chức kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.

21/ Hỏi: Đăng ký kết hôn ở đâu?

Trả lời:

Đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn (bên nam hoặc bên nữ).

Đăng ký kết hôn tại Cơ quan đại diện ngọai giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nếu là kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài.

22/ Hỏi: Ai có quyền yêu cầu hủy việc đăng ký kết hôn trái pháp luật?

 Trả lời:

1/ Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình.

2/ Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình

3/ Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9 và Điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình:

a/ Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn;

b/ Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em;

c/ Hội liên hiệp Phụ nữ.

4/ Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

22/ Hủy việc kết hôn trái pháp luật?

Theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại điều 15 của Luật Hôn nhân và Gia đình, Tòa án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn. Căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đăng ký kết hôn xóa đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

23/ Hỏi: Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật?

Trả lời:

1/ Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2/ Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.

3/ Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ và con.

24/ Hỏi: Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như thế nào?

Trả lời:

1/ Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2/ Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a/ Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b/ Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c/ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d/ Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3/ Việc thanh tóan nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng thỏa thuận; nếu không giải quyết được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

25/ Hỏi: Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn như thế nào?

Trả lời:

1/ Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2/ Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể được xác định theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.

26/ Hỏi: Chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn như thế nào?

Trả lời:

1/ Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó.

2/ Việc chia quyền sử dụng đất chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện như sau:

a/ Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Trong trường hợp chỉ một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.

b/ Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra chia theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 97 Luật Hôn nhân và Gia đình;

c/ Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và Gia đình;

d/ Việc chia quyền sử dụng đối với các loại đất khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự.

3/ Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục sống chung với gia đình được giải quyết theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình.

27/ Hỏi: Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng như thế nào?

Trả lời: Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật Hôn nhân và Gia đình; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh tóan cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

28/ Hỏi: Xử lý vi phạm pháp luật trong quan hệ hôn nhân và gia đình?

Trả lời: Người nào vi phạm các điều kiện kết hôn; cản trở việc kết hôn đúng pháp luật; giả mạo giấy tờ để đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi; hành hạ, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và các thành viên khác trong gia đình; lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi; không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ giám hộ hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

29/ Hỏi: Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a/ Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn;

b/ Làm giả hoặc sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký kết hôn;

c/ Các hành vi gian dối khác khi đăng ký kết hôn.

30/ Hỏi: Hành vi cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích khác bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cam đoan không đúng về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân sử dụng vào mục đích khác.


Số lượt người xem: 8583    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA