SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
5
4
6
0
1
Tin tức sự kiện 19 Tháng Sáu 2013 1:55:00 CH

Tìm hiểu quy định của pháp luật về việc phòng cháy và chữa cháy

Sau đây là các quy định của pháp luật về việc phòng cháy và chữa cháy theo hình thức hỏi đáp nhằm phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tìm hiểu và thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy hiệu quả:

1/- Hỏi: Cháy là gì?

Trả lời:

Theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy. Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng đến môi trường…

2/- Hỏi: Chữa cháy là làm những việc gì?

Trả lời: Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan.

3/- Hỏi: Có mấy nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy?

Trả lời:

Có 4 nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy:

a. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

b. Trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy lấy phòng ngừa là chính, phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

c. Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

d. Mọi hoạt động phòng cháy và chữa cháy trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

4/- Hỏi: Ai có trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy?

Trả lời:

a. Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

c. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình.

d. Lực lượng phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm nhiệm vụ chữa cháy.

5/- Hỏi: Ai có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy chữa cháy?

Trả lời:

a. Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân.

b. Cơ quan, tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho mọi người trong phạm vi quản lý của mình.

6/- Hỏi: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm gì trong việc phòng cháy và chữa cháy?

Trả lời:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tổ chức và phối hợp các cơ quan chức năng để tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

7/- Hỏi: Nhà nước có chính sách gì đối với người tham gia chữa cháy?

 Trả lời:

 Người trực tiếp chữa cháy, người tham gia chữa cháy mà bị hy sinh, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

8/- Hỏi: Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy là ngày nào?

Trả lời:

Ngày 04 tháng 10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”.

9/- Hỏi:  Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định các hành vi bị nghiêm cấm?

Trả lời:

Các hành vi bị nghiêm cấm:

a. Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, các nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

b. Cản trở các hoạt động về phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.

c. Lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người, xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

d. Báo cháy giả.

đ. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy đã được Nhà nước quy định.

e. Thi công những công trình có nguy hiểm về cháy, nổ mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phỏng cháy và chữa cháy.

g. Làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn và lối thoát nạn.

h. Các hành vi khác vi phạm quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

10/- Hỏi: Những biện pháp cơ bản trong phòng cháy là gì?

Trả lời:

Biện pháp cơ bản trong phòng cháy:

a. Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.

b. Thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời.

11/- Hỏi: Phòng cháy đối với nhà ở và khu vực dân cư như thế nào?

Trả lời:

a. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

b. Tổ dân phố phải có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp ngăn cháy, có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

12/- Hỏi: Phòng cháy đối với cơ sở như thế nào?

Trả lời:

Cơ sở được bố trí trên một phạm vi nhất định, có người quản lý hoạt động và cần thiết có phương án phòng cháy và chữa cháy độc lập. Phải thực hiện các yêu cầu cơ bản sau đây:

a. Có quy định, nội quy về an toàn phòng cháy và chữa cháy; có các biện pháp về phòng cháy;

b. Có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy phù hợp tính chất hoạt động của công ty, kho tàng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học…

c. Có lực lượng, phương tiện và các điều kiện khác đáp ứng yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy;

d. Có phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và chống cháy lan;

đ. Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

e. Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động phòng cháy và chữa cháy;

13/- Hỏi: Phòng cháy và chữa cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng?

Trả lời:

a. Tại các chợ quy mô lớn và trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có phương án thoát nạn và giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra;

b. Tại các kho hàng phải tách điện phục vụ sản xuất, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp vật tư hàng hóa đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Kho chứa các chất nguy hiểm về cháy, nổ phải là kho chuyên dùng;

14/- Hỏi: Phòng cháy đối với cảng, nhà ga, bến xe?

Trả lời:

Tại cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, nhà ga, bến xe phải tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện chữa cháy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an; phải có phương án thoát nạn, giải tỏa phương tiện, vật tư, hàng hóa khi có cháy  xảy ra.

15/- Hỏi: Phòng cháy đối với bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim và những nơi đông người khác?

Trả lời:

Tại bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim và những nơi đông người khác phải có phương án thoát nạn; có lực lượng hướng dẫn, trợ giúp cho mọi người; đặc biệt đối với những người không có khả năng tự thoát nạn; có phương án phối hợp với các lực lượng khác để chữa cháy.

16/- Hỏi: Phòng cháy đối với trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ?

Trả lời:

Tại trụ sở làm việc, thư viện, bảo tàng, kho lưu trữ phải sắp xếp các thiết bị văn phòng, hồ sơ, tài liệu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có biện pháp quản lý chặt chẽ các chất cháy, nguồn lửa, nguồn điện, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt và các biện pháp về phòng cháy khi rời nơi làm việc.

17/- Hỏi: Hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân bị tạm đình chỉ trong các trường hợp nào?

Trả lời:

Hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và các cá nhân bị tạm đình chỉ trong các trường hợp sau đây:

a. Khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ;

b. Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy;

c. Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy yêu cầu khắc phục mà không thực hiện.

18/- Hỏi: Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy?

 Trả lời:

1/ Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

2/ Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

3/ Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

4/  Lực lượng công an, dân quân tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ chữa cháy và tham gia chữa cháy.

19/- Hỏi: Trách nhiệm xử lý khi có cháy lớn và cháy có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng?

Trả lời:

1/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra cháy có trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy, bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy; nếu vượt qua khả năng của mình thì nhanh chóng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên chỉ đạo giải quyết; trường hợp thật cần thiết thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2/ Trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan chỉ đạo giải quyết.

3/ Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

20/- Hỏi: Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy?

Trả lời:  

1/ Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy của Chính phủ ngày 14/06/2012, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a. Phạt cảnh cáo;

b. Phạt tiền;

2/ Tùy theo tính chất mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3/ Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 52/2012/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a. Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;

b. Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ hạng mục công trình, công trình xây dựng trái phép;

c. Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra;

d. Buộc giảm khối lượng, số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo định mức quy định;

đ. Buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;

e. Các biện pháp khắc phục hậu quả khác được quy định tại Chương II Nghị định 52/ 2012 /NĐ-CP.

4/ Người có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị định 52/2012/ NĐ-CP còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.

5/ Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được áp dụng có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xử phạt trục xuất thực hiện theo thủ tục hành chính.

21/- Hỏi: Hành vi vi phạm trong việc ban hành, phổ biến và tổ chức thực hiện quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

1/ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Chấp hành không đầy đủ nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy;

b. Làm mất tác dụng hoặc để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy cũ mờ, không nhìn rõ chữ, ký hiệu chỉ dẫn;

c. Trang bị nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy không đúng quy cách theo quy định.

2/ Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Không bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b. Không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy;

c. Không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình;

d. Ban hành các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy không đầy đủ nội dung hoặc không phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở;

3/ Phạt tiền 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí, niêm yết nội quy về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4/ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành hoặc ban hành quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy trái với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

5/ Biện pháp khắc phục hậu quả:

a. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 52/2012/NĐ-CP;

b. Buộc ban hành, phổ biến, niêm yết các nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy đúng quy định đối với hành vi quy định tại Điểm a, Điểm c, Điểm d Khoản 2, Khoản 4, Điều 5 Nghị định 52/2012/NĐ-CP.

22/- Hỏi: Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

1/ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Bố trí nơi đun nấu, thờ cúng không đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b. Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm;

2/ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3/ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Sử dụng nguồn lửa, điện thoại di động, các thiệt bị điện tử hoặc các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt khác ở những nơi có quy định cấm;

b. Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

23/- Hỏi: Hành vi vi phạm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, học tập, bồi dưỡng và huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

1/ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi làm hỏng băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, tranh ảnh tuyên truyền, cổ động về phòng cháy và chữa cháy.

2/ Phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a. Không tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy theo quy định;

b. Sử dụng người làm lực lượng chữa cháy cơ sở, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới 4 chỗ ngồi trở lên, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển, chất hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng chưa qua lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận đã qua lớp huấn luyện phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

3/ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

4/ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã thay đổi do vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 52/2012/NĐ-CP.

24/- Hỏi: Báo cháy giả có bị xử lý không?

Trả lời:

Báo cháy giả bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điều 18 Nghị định 52/2012/NĐ-CP ngày 14/06/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy).

25/- Hỏi: Bộ luật hình sự quy định tội vi phạm về phòng cháy, chữa cháy như thế nào?

Trả lời:

1/ Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2/ Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.

3/ Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4/ Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5/ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công tác nhất định từ một năm đến năm năm (Điều 240 Bộ luật Hình sự).


Số lượt người xem: 6606    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA