SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
5
7
4
7
5
Tin tức sự kiện 10 Tháng Tư 2013 2:25:00 CH

Giỗ Tổ Hùng Vương - Nét văn hóa đặc sắc của Dân tộc Việt Nam

Ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là "Lễ hội Đền Hùng". Đây là ngày lễ trọng đại của nước ta, là ngày mà tất cả người Việt Nam cùng hướng về cội nguồn của dân tộc, nhớ ơn các Vua Hùng có công dựng nước và các thế hệ đồng bào đã hy sinh, cống hiến bảo vệ, gìn giữ cõi bờ để đất nước Việt Nam chúng ta có được như hôm nay. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên nền tảng của dân tộc, văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã được công nhận là một trong những ngày Quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn" hay "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Từ năm 2007, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước qui định là ngày lễ trọng đại, cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ lễ.       

Theo dòng lịch sử, Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội truyền thống dân tộc Việt Nam. Xưa kia, việc cúng Tổ (cử hành) vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước một ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn một lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ Tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm”.             

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kế tục truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhất là đạo đức "uống nước nhớ nguồn", ngày giỗ Tổ Hùng Vương  năm 1946, sau khi Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mọi người Việt Nam đề cao niềm tự hào dân tộc, nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, để từ đó có ý thức làm những việc ích nước, lợi dân, làm những gì ích lợi cho cộng đồng. Ngày giỗ Tổ cũng là dịp các gia đình quây quần bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Gia đình là môi trường của tình thương yêu, biết ơn thành kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Ca dao Việt Nam từ bao đời nay đã thể hiện truyền thống đó: 

Công cha như núí Thái Sơn,

Nghiã mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Trên thế giới hiếm có dân tộc nào có tín ngưỡng thờ chung một ông Tổ như nước Việt Nam ta. Đó là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Công đức Quốc Tổ Hùng Vương được nhân dân ta truyền tụng từ đời này sang đời khác với lòng biết ơn vô hạn : Quốc Tổ Hùng Vương dựng nghiệp nhà/ Văn Lang truyền thuyết nước Nam ta/ Phong Châu tên gọi kinh thành cũ/ Ngũ Lĩnh là nơi biên ải xa/ Thắt nút trị dân thời bình trị/ Vung gươm đánh giặc lúc can qua/ Tổ Tiên giữ nước bao công sức/ Con cháu chung lòng kiến quốc gia.

Ngày nay, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: "Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi". Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trãi mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của Tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm.

Giỗ Tổ Hùng Vương của Việt Nam có sức lan tỏa rộng lớn trên thế giới. Đúng 18 giờ 9 phút (giờ Việt Nam, tức 12 giờ 9 phút giờ Paris, ngày 06/12/2012), tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”.

 


Số lượt người xem: 14373    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA