SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
7
0
7
1
8
Tin tức sự kiện 29 Tháng Sáu 2012 10:55:00 SA

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng

Báo chí ra đời và phát triển là nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin và giao tiếp. Báo chí là một loại hình hoạt động chính trị xã hội. Mỗi cơ quan báo chí là người đại diện, người phát ngôn, là phương tiện thông tin của tổ chức nhất định, phục vụ cho mục đích, quyền lợi của nhân dân.

Sau hơn tám thập kỷ, kể từ ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sáng lập tờ báo Thanh Niên (21/6/1925), giờ đây nền báo chí cách mạng của nước ta đã không ngừng lớn mạnh. Báo chí không chỉ là món ăn tinh thần của mọi người dân, của xã hội mà còn là lực lượng sản xuất trực tiếp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với những người luôn quan tâm đến sự nghiệp báo chí Việt Nam, không ai không phấn khởi trước sự lớn mạnh, hùng hậu của đội ngũ báo chí và sự phong phú của hệ thống truyền thông đại chúng ngày nay.

Nói về nhiệm vụ của báo chí cách mạng, trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng” (1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết: "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung". Mục đích chung thời bấy giờ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là "Ði đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công". Tại Ðại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Người tiếp tục chỉ rõ: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng". Người nhấn mạnh rằng: Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng chứ không phải làm báo là để "lưu danh thiên cổ", muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn. "Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành …) đều phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Ðường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được".

Người làm báo cách mạng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, lớp lớp các nhà báo đã không quản ngại gian khổ, hy sinh gắn cả cuộc đời mình với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng các tác phẩm báo chí, các nhà báo đã khơi dậy lòng yêu nước, thương nòi; tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc; đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân, từ đó biến thành sức mạnh trong phong trào quần chúng cách mạng... Những cống hiến đó đã chứng minh rằng những người làm báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, trang giấy và cây bút là vũ khí sắc bén của họ.

Nhiệm vụ của báo chí cách mạng nước ta hiện nay rất nặng nề và vô cùng vẻ vang: Tuyên truyền, đưa nội dung các Nghị quyết, văn kiện của Đảng vào cuộc sống; tuyên truyền đẩy mạnh ”Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền cho công tác đối nội, đối ngoại, xây dựng pháp luật; đẩy mạnh các phong trào sản xuất phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục tuyên truyền phong trào lao động sản xuất của nhân dân; tuyên truyền về an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo, tạo môi trường hoà bình ổn định phục vụ cho phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cổ vũ các thành tựu của đổi mới; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, góp phần bảo vệ trận địa tư tưởng của Ðảng và chế độ ta. Báo chí được Ðảng và Nhà nước ta xác định là "phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Ðảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân(1)

Năm nay, kỷ niệm lần thứ 87 năm, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2012), suy nghĩ về nhiệm vụ vẻ vang của báo chí cách mạng, nhớ lại những lời nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người làm báo, chúng ta cảm thấy tự hào! Tự hào vì nghề nghiệp, tự hào vì lẽ sống, vì lương tâm, trách nhiệm to lớn của mình đối với đất nước, nhân dân và xã hội./.

([1]) Điều 1 Luật Báo chí số 29-LCT/HĐNN8 ngày 28/12/1989.


Số lượt người xem: 7673    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA