Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nêu bốn giải pháp cần tiến hành, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đưa lên hàng đầu.
Tự phê bình nghiêm túc trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở tất cả các cấp, các ngành.
Tự phê bình nghiêm túc là thật thà công khai nhận trước mặt mọi người những ưu, khuyết điểm của bản thân mình nhằm mục đích để phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm. Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, nhất là khi nói đến khuyết điểm của mình.
Nếu cán bộ lãnh đạo không gương mẫu tự phê bình và hướng dẫn người khác làm việc này thì khó hy vọng phát huy được tác dụng của tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt đảng hiện nay, một hiện tượng khá phổ biến là cán bộ lãnh đạo và đảng viên không dám phê bình nhau, tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, qua loa, chiếu lệ, dễ người dễ ta, có biểu hiện thỏa hiệp, không phê bình ai, để không ai phê bình mình. Tình hình này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cán bộ lãnh đạo không nghiêm túc tự phê bình và phê bình.
Cán bộ lãnh đạo nghiêm túc tự phê bình có nghĩa là vừa thực hiện chức năng tự giáo dục, vừa là bài học thực tiễn, tấm gương sáng trước cấp dưới và quần chúng.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ lãnh đạo, nhất là những người đứng đầu, nếu không tự giác, nghiêm túc tự phê bình thì sẽ trở thành rào cản lớn kìm hãm, làm biến dạng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình” (1)…”Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân” (2). Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói, mà bản thân Người luôn luôn gương mẫu làm trước, thể hiện sự nhất quán giữa nói và làm.
Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình phải nói đến thái độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã tự phê bình rất nghiêm túc là “đã quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”. Người nhấn mạnh: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít…Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này…” (5) Sau đó, Người đã thay mặt Đảng và Chính phủ tự phê bình và nhận lỗi trước Quốc hội.
Có thể nói rằng, hiện nay, không ít cán bộ lãnh đạo đang đứng trước một sự lựa chọn hoặc là tự phê bình nghiêm túc, hoặc là tiếp tục “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau…” và mất uy tín.
Cán bộ lãnh đạo tự phê bình về những sai phạm, khuyết điểm của mình là con đường ngắn nhất để khôi phục và nâng cao uy tín. Những cán bộ lãnh đạo không tự phê bình nghiêm túc, sợ mất chức vì tự phê bình khi chức vụ đang gắn chặt với đặc quyền, đặc lợi…là những biểu hiện chủ yếu và đáng lo ngại nhất về sự sa sút về phẩm chất, tư cách của người cán bộ lãnh đạo. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ thi hành kỷ luật đều không phải từ nguyên nhân do bản thân cán bộ lãnh đạo tự phê bình đối với những sai lầm, khuyết điểm của chính mình, mà trái lại, là do cán bộ lãnh đạo giấu giếm, phải qua đấu tranh phê bình, phát hiện những sai phạm, khuyết điểm, hoặc do đơn thư tố giác, báo chí phanh phui, hoặc các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp trên kiểm tra, thanh tra phát hiện, mới dẫn đến bị thi hành kỷ luật.
Cán bộ lãnh đạo nêu gương sáng về tự phê bình nghiêm túc sẽ là dấu hiệu tích cực mở đầu cuộc đấu tranh xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H - 1995 - T 10 - tr 578.
(2) Sđd - T 9 - tr 290.
(3) Hồ Chí Minh biên niên sử - NXB CTQG - H - 1995 - T 6 - tr 341.