Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đất nước đang được chứng kiến những tăng trưởng vượt bậc về mặt kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, người phụ nữ Việt Nam vừa tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Thực hiện Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/3/2010 theo Quyết định số 343/QĐ-TTg (sau đây gọi là Đề án 343 PN), Ban Điều hành Đề án 343 PN phối hợp với đội ngũ chuyên gia tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh biên soạn tài liệu Phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Dưới đây là những nội dung cần thiết của bộ tài liệu “Phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội truyền thống
Do những điều kiện tự nhiên, đặc điểm về kinh tế, xã hội, phụ nữ Việt Nam dù muốn hay không cũng đã là những người có vai trò to lớn trong nền sản xuất xã hội cũng như kinh tế gia đình. Những đóng góp quan trọng của họ đối với gia đình và xã hội đã góp phần tạo nên địa vị cao trong gia đình và ngoài xã hội, thể hiện qua các truyền thuyết, các phong tục, tập quán, tín ngưỡng…
Trong truyền thống văn hóa, người Việt rất coi trọng gia đình. Gia đình được coi là rường cột của xã hội. Gia đình truyền thống Việt Nam đề cao nghĩa tình, sự thủy chung chồng vợ, thờ phụng tổ tiên, biết ơn cha mẹ, chữ hiếu, tôn trọng người già, lễ nghĩa, trật tự kỷ cương… Gia đình lại gắn chặt với dòng họ, xóm làng, xã hội tạo nên cộng đồng bền chặt từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Những yếu tố văn hóa truyền thống nêu trên tạo cơ sở nền tảng để phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy những phẩm chất, đạo đức truyền thống trong bối cảnh hiện nay. Nhờ có nền tảng truyền thống vững chắc, nhiều phụ nữ Việt Nam đã vượt qua những cạm bẫy, những cám dỗ, những khó khăn, vất vả trong công việc xã hội cũng như trong gia đình, hoàn thành vai trò “kép” của mình một cách xuất sắc.
Tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng tiêu cực tới việc giữ gìn, phẩm chất, đạo đức trong điều kiện mới
Tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào nếp nghĩ, tâm lý, hành động, quan niệm xã hội của đại đa số người Việt Nam, trong đó có phụ nữ. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ là quan niệm lạc hậu, cổ hủ điển hình nhất nhìn theo góc độ bình đẳng giới vẫn đang gây trở ngại lớn cho việc phát triển người phụ nữ hiện nay. Thuyết Tam tòng, Tứ đức (phong kiến) đã cột chặt người phụ nữ với gia đình, với người chồng, người nam giới. Tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, hành vi, cách ứng xử của cả nam giới và nữ giới. Hiện nay, một bộ phận nam giới có tư tưởng không phục tùng phụ nữ, không muốn làm việc dưới sự lãnh đạo của cán bộ nữ. Mặt khác, một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên.
Yêu cầu của xã hội hiện đại đối với việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam hiện nay
Phụ nữ vừa là thành viên của gia đình lại luôn được coi là “linh hồn”, là “trung tâm” của gia đình; họ vừa là một công dân, là một thành viên của tổ chức nhất định, là thành viên của cộng đồng dân cư… Người phụ nữ có nhiều mối quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp, do vậy, người phụ nữ rất cần có lối sống văn hóa, sống đẹp, sống tốt, có lòng nhân hậu. Họ không chỉ quan tâm đến gia đình mình mà còn phải quan tâm đến những người xung quanh, lá lành đùm lá rách, sống có nghĩa có tình. Lối sống văn hóa còn biểu hiện trong tác phong sống, lao động, sản xuất, kinh doanh; còn thể hiện những việc làm cụ thể hàng ngày, trong quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng xã hội.
Người phụ nữ phải luôn biết cách động viên chồng con sẵn sàng chia sẻ, coi đây là trách nhiệm chung của tất cả mọi thành viên. Tuy nhiên, việc động viên nam giới tự nguyện tham gia hỗ trợ công việc gia đình là một nghệ thuật, đòi hỏi người phụ nữ phải khéo léo; đồng thời cũng cần phải nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình trên tinh thần bình đẳng, không được hiểu bình đẳng giới theo tinh thần: Sáng em rửa bát quét nhà, chiều anh quét nhà, rửa bát. Mặt khắc hiệu quả của việc thu hút mọi thành viên chia sẻ công việc trong gia đình phụ thuộc nhiều vào năng lực tổ chức và nghệ thuật ứng xử của người phụ nữ, đòi hỏi khi người phụ nữ cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng làm vợ, làm mẹ, làm chủ nhân thực sự của gia đình. Còn tiếp…