SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
0
9
7
2
4
Tin tức sự kiện 20 Tháng Hai 2012 10:50:00 SA

Đồng chí Trường Chinh với cách mạng Việt Nam

        4 quan điểm cơ bản theo tư tưởng đổi mới của đồng chí Trường Chinh

 1. Kiên trì con đường và mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

2. Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, nhưng trước hết phải đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.

3. Đổi mới phải "lấy dân làm gốc".

4. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Trường Chinh sinh ngày 9/2/1907, tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, năm 1927, khi vừa tròn 20 tuổi đồng chí gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ.

Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt và xử 12 năm tù cầm cố, đày đi Sơn La. Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được trả lại tự do.

            Từ cuối năm 1936 đến 1939, đồng chí Trường Chinh đã hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp tại Hà Nội, là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ.

Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCH TW Đảng) và được phân công làm Quyền Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư BCH TW Đảng.

Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng (Đại hội này, Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào  BCH TW Đảng và là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ban nghiên cứu lịch sử Đảng và Ban lý luận Trung ương.

Ngày 10/7/1986, Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần. Ngày 14/7/1986, BCH TW Đảng họp phiên đặc biệt, bầu đồng chí làm Tổng Bí thư của Đảng. Nhận trọng trách mới, đồng chí cùng Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo chuẩn bị tốt cho Đại hội VI của Đảng.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng (họp từ ngày 7 đến 10/7/1986), đồng chí Trường Chinh nêu rõ: "Để thực hiện đường lối của Đảng đã được Đại hội IV và Đại hội V nêu ra, quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Đại hội VI của Đảng ta phải đáp ứng yêu cầu đó. Bước đổi mới phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và trong phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của các cấp ủy Đảng tại Đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này" (1).

            "Đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại" (2).

            Đại hội VI của Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới sâu sắc và toàn diện trên đất nước ta, trong đó có thể khẳng định đồng chí Trường Chinh "đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới"(3) của Đảng. Đường lối đổi mới của Đảng đã được bổ sung, phát triển trong các Đại hội VII, VIII, IX và X của Đảng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo tài năng, mẫu mực, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí là nhà tư tưởng, nhà lý luận sắc bén, nhà văn hóa lớn, nhà báo bậc thầy, nhà thơ cách mạng.

Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi  mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc và gắn liền với những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam.

(1) Tạp chí Cộng sản, số 3, tháng 2-1997 - tr 24.

(2) Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại - NXB ST - H - 1987 - trang 66.

(3) Điếu văn của BCH TW Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh.


Số lượt người xem: 4024    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA