Tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh về phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức trong thực tiễn cách mạng Việt Nam
Ngay từ thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn một cách rõ ràng, mục tiêu phấn đấu cho cuộc đời mình là vì nước, vì dân. Trên con đường thực hiện mục tiêu đó Người đã chấp nhận sự hy sinh, không quản gian nguy, kiên định, dũng cảm và sáng suốt để vượt qua mọi khó khăn, thách thức... Với tâm huyết “đi tìm đường cứu nước, cứu dân”, với bản lĩnh và trí tuệ phi thường, đạo đức trong sáng, Người đã vượt qua tất cả và đã đạt được mục đích cao cả, đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin, lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thành công sư nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1930 đến năm 1945 là thời kỳ tư tưởng và cuộc sống của Hồ Chí Minh gặp nhiều thử thách, hai lần bị bắt và bị giam trong nhà tù thực dân, nhưng Người luôn kiên định mục tiêu và xác định “Muốn nên sự nghiệp
lớn, tinh thần càng phải cao” Người không ngại sự gian khổ hy sinh của bản thân mình, mà lo cho cách mạng “xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mà giành tự do độc lập, dầu phải hy sính tính mệnh cũng không nề” (1).
Cách mạng Tháng Tám thành công, giành được độc lập nhưng đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất: kinh tế đình đốn, tài chính quốc gia kiệt quệ, công nhân thất nghiệp, nan đói khủng khiếp đe doạ, thù trong giặc ngoài, vận mệnh đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn một lòng tin không hề lay chuyển vào lực lượng và tinh thần yêu nước của dân ta. Người ra lời kêu gọi nhân dân đem tài năng và sáng kiến đóng góp cho Chính phủ; Người đề ra các chiến dịch “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, ... Với tất cả nỗ lực, Nhà nước non trẻ đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, được thừa nhận là Nhà nước của dân, hoạt động vì cơm áo, hạnh phúc của dân, đấu tranh cho độc lập tự do của dân, nên được toàn dân ủng hộ, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Nhà nước của mình. Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, Người đã chỉ rõ mục đích: “…Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Người nhắc nhở “dũng cảm phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH” (2) “Chúng ta phải là cho nhân dân ngày càng đoàn kết, càng tin tưởng, càng phấn khởi thi đua cần kiệm xây dựng Tổ quốc, xây dưng. CNXH ở miền Bắc và hăng hái tham gia đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà” (3)
Từ năm 1954 đến năm 1975, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc ta. Đó là những năm tháng đấy thử thách, khó khăn và quyết liệt đối với nhân dân cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Toàn dân ta đoàn kết một lòng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân ta, đặc biệt là đồng bào miền Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, đấu tranh giành thắng lợi.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện được nguyện vọng thiêng liêng của Người: Tổ quốc thông nhất, Nam-Bắc một nhà.
Tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo toàn dân giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước tiến lên CNXH, nhưng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành. Nhân dân là người làm ra lịch sử. Sức mạnh của nhân dân là vô địch. Không có nhân dân, Đảng, Chính phủ không có lực lượng. “Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lương đoàn kết của nhân dân. Trong xã hội, không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (4). Nhiệm vụ phục vụ nhân dân của Đảng là tổ chức và phát huy sức mạnh trong nhân dân để đấu tranh giành lợi ích cho nhân dân, để xây dựng và bảo vệ xã hội mới do nhân dân làm chủ.
Học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay là thực hiện lời Người dạy: Việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Mục đích hoạt động cửa các cấp, các ngành, của mọi cán bộ, đảng viên là nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, cả đời sống vật chất và tinh thần, Cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân là tiêu chí số một đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh)
(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2002, t 3, Tr.198.
(2): Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr.21.
(3): Hồ Chí Minh: Sđd t.10, tr.275-276.