Hình ảnh Bộ đội cụ Hồ trong thơ Tố Hữu
Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, mãi mãi xứng danh là Bộ đội cụ Hồ.
Hình ảnh Bộ đội cụ Hồ luôn luôn đẹp trong cuộc đời và trong thơ ca cách mạng nước ta. Và nhà thơ viết về anh Bộ đội cụ Hồ nhiều nhất, đẹp nhất và hay nhất có lẽ là nhà thơ Tố Hữu.
Trong bài “Cá nước” của Tố Hữu, anh Bộ đội cụ Hồ hiện lên thật gần gũi, thân thiết:
“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế.”
Với tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ sống động và mang dáng dấp người anh hùng của thời đại. Trong bài “Lên Tây Bắc”, anh Bộ đội cụ Hồ là những người bình dị được trang bị thô sơ, nhưng đó là những con người kiên cường, bất khuất:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi, vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo”.
Trong bài “Ta đi tới”, hình ảnh những anh Bộ đội cụ Hồ được tôi luyện trong khói lửa, có mặt khắp các chiến trường và đã làm nên những chiến công hiển hách:
“Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa
Chúng nó chẳng còn mong được nữa
Chặn bàn chân của một dân tộc anh hùng
Những bàn chân từ than bụi lầy bùn
Đã bước dưới mặt trời Cách mạng...
Những bàn chân từ Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp...”
Lực lượng Bộ đội cụ Hồ trưởng thành nhanh chóng, được vũ trang bằng lý tưởng cứu nước:
“Đội ngũ ta điệp điệp trùng trùng
Cao như núi, dài như sông
Chí ta lớn như biển đông trước mặt”
Bộ đội cụ Hồ càng đánh càng mạnh, đã cùng với toàn dân làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu”. Biết bao tấm gương sáng ngời về tinh thần chịu đựng gian khổ, đức hy sinh và lòng dũng cảm vô bờ bến còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau:
“Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn”.
Trên chiến trường khắp cả nước, lực lượng Bộ đội cụ Hồ đã chiến đấu với tinh thần lạc quan cao độ và họ đã giành được những thắng lợi dồn dập:
“Tin vui chiến thắng trăm miền,
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về,
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, Đèo De, Núi Hồng...”
Từ những chiến thắng to lớn đó, tương lai về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và phát triển sễ trở thành hiện thực:
“Ngày mai rộn rã sơn khê,
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm, như măng giữa trời...”
Cuộc Tổng tiến công và nổi đậy mùa Xuân năm 1968 đã giáng một đòn chí mạng vào bọn Mỹ-ngụy, làm thay đổi cục diện chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta. Lực lượng đã góp phần quyết định làm nên những chiến công đó là anh giải phóng quân anh hùng:
“Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang, bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ”.
Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh giải phóng quân với khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”:
“Không, không phải thiên thần
Với đôi hài bảy dặm
Vẫn là anh, anh giải phóng quân
Suốt hai mươi năm lội khắp bưng biền, rừng thẳm
...Anh đánh như sét nổ, trời rung
Anh chuyển như bão dồn, lũ cuốn,
...Giặc Mỹ kiêu căng tưởng
Có thể ngồi yên trên giường vàng
và đầu gối lên bom.
Nghe tiếng ngáy cũng đủ run
Đã có dã man làm luật
Bỗng choàng dậy bàng hoàng
Sắp tắt hoàng hôn
Người chôn chúng chính là anh.
Anh giải phóng quân mũ tai bèo, chân đất”
Anh Bộ đội cụ Hồ xa gia đình, nhưng đến đâu cũng cảm thấy “Xa bầm, nhưng lại có bao nhiêu bầm”. Với dáng vẻ hiền lành, ít nói, nhưng khi kể chuyện chiến trường, anh Bộ đội cụ Hồ bỗng trở nên tươi vui:
“Miệng anh nở rất tươi
Mặt anh vàng thắm lại
Cánh đồng quê tháng mười
Thơm nức mùi gặt hái”.
Anh Bộ đội cụ Hồ cũng có những nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nơi anh đã sinh ra, lớn lên với bao kỷ niệm khó quên. Anh nhớ mẹ như bao người con khác:
“Con đi trăm núi nghìn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm, yêu nước cả đôi mẹ hiền”.
Đọc lại những vần thơ của Tố Hữu, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh anh Bộ đội cụ Hồ thật đẹp,và chúng ta tự hào đã có một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.