SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
1
7
6
7
2
Tin tức sự kiện 06 Tháng Hai 2011 12:30:00 SA

BÁNH TÉT – MÓN ĐẶC SẢN TRUYỀN THỐNG NAM BỘ

            Ở miền Bắc nước ta trong các ngày tết, giỗ tỵ, các lễ hội có truyền thống bánh dày, bánh trưng cúng tổ tiên, thì ở Nam bộ có bánh tét, một loại bánh được liệt ngang hàng coi như bánh tổ.

            Dân Nam bộ chế biến bánh tét một cách tài tình và phong phú, tùy theo địa phương mà thêm thắt gia vị cho thích khẩu, có chỗ gói nếp với nhân đậu xanh, còn gia đình khá giả thêm vào nhân đậu xanh một miếng mỡ theo chiều dài đòn bánh. Cũng có chỗ không thuần nếp mà còn trộn lẫn đậu đen để tăng chất lượng vừa dẻo vừa bùi.

            Phương pháp gói bánh khá tỉ mỉ, trước tiên đem nếp và đậu đen vo sạch để ráo nước. Lá dứa đâm nhuyễn lọc lấy nước trộn hoà đều với nếp. Đậu xanh cà, đãi vỏ để sống, thịt ba rọi cắt vuông vắn đặt dài theo đòn bánh đã được ướp trước cho thấm với hành, muối, đường. Có như thế, thịt vừa trong vừa đẹp, để khi tét bánh ra, thịt hòa tan vào nhân đậu xanh, ăn vừa béo của thịt, vừa bùi của đậu, vừa dẻo của nếp, vừa thơm ngon.

            Mỗi lần gói bánh thì 2 đòn cột thành 1 cặp, có dây quai để xách cho tiện nhất là khi làm quà tặng cho bà con hàng xóm, vừa đẹp vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi đủ cặp, ý chúc cho bà con đủ vợ đủ chồng là niềm hạnh phúc thịnh vượng. Bánh khi luộc phải thường xuyên canh chừng lửa, thời gian nấu từ 6 đến 7 giờ mới vớt ra.

            Để cho bánh mau chín,  các bà nội trợ thường áp dụng một số mẹo vặt vắt chanh vào nếp hoặc ngâm nếp với nước khóm trong vài giờ. Không được ngâm lâu sợ nếp rã thành bột lúc gói bánh, xếp lá chuối ở 2 đầu, bẻ thành 4 góc rồi núc đòn bằng cọng lá chuối phơi khô cho dẻo, cắt nhỏ như lạt. Ngày nay, cũng có nơi núc đòn bằng dây chỉ nhựa.

            Nhiều gia đình ăn chay, gói bánh bằng nhân ngọt, nhân đậu xanh trộn đường hoặc nhân chuối cũng được đa số dân Nam bộ ưa thích, khi chuối chín có màu đỏ tím. Tét khoanh bánh ra trông lạ mắt, màu đỏ tim tím chính giữa nổi bật bên ngoài màu nếp trắng phau hoặc xanh lá dứa.

            Còn một loại bánh tét được chế biến khá đặt biệt nữa là bánh tét thập cẩm, vẫn là bánh tét nếp còn phần nhân được nâng cấp có trứng, tôm khô, lạp xưởng, hột sen, thịt giò bắc thảo, đậu phọng, nấm đông cô trộn chung với nhân đậu xanh.      Dĩ nhiên là ăn rất ngon, thực hiện rất tốn kém.

            Trong những dịp lễ Tết cổ truyền, giỗ kỵ… người Nam bộ thường làm bánh tét để đãi khách và làm quà biếu bà con chòm xóm. Những ngày đầu năm tét bánh ra để đãi khách ăn với thịt kho tàu, dưa chua, thật đậm đà hương vị ngày xuân. Bánh tét ra ăn còn lại, người ta đem chiên dầu hoặc mỡ phi tỏi, ăn thấy lạ miệng. Đây cũng là loại lương thực rất tiện lợi cho du khách đi xa, leo núi hoặc hành quân lâu ngày, vì bánh tét có thể để cả mươi ngày mà không mất phẩm chất.

 

 


Số lượt người xem: 3744    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA