SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
6
6
2
5
3
Tin tức sự kiện 25 Tháng Giêng 2011 12:15:00 SA

Kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2011)

             

MÙA XUÂN NĂM ẤY, NGUYỄN ÁI QUỐC

THÀNH LẬP ĐẢNG

 

            Cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam được bắt đầu từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ nhất, khi chủ nghĩa Mác - Lê-nin được truyền bá vào nước ta bằng các trước tác của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin và Nguyễn Ái Quốc. Các lớp huấn luyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho cán bộ Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy, ở Quảng Châu (Trung Quốc), vào những năm giữa thập kỷ 20 thế kỷ trước, có tác dụng to lớn cho sự ra đời của Đảng.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội với mục đích là làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, sau đó, thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Từ khi ra đời cho đến khi kết thúc, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã làm được ba việc quan trọng: tổ chức phong trào cách mạng ở trong nước, đào tạo cán bộ và xuất bản báo Thanh niên, trong đó việc đào tạo cán bộ chiếm vị trí hàng đầu.

Khi đã có một đội ngũ cán bộ được huấn luyện về chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đưa họ trở về nước hoạt động. Người còn đưa khá nhiều tài liệu, sách báo cách mạng vào Việt Nam theo nhiều đường khác nhau.

            Sự ra đời của Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước, Chi bộ 5Đ Hàm Long, vào hạ tuần tháng 3-1929, là dấu hiệu về mặt tổ chức cho thấy một Đảng Cộng sản sắp ra đời. Ba tháng sau đó, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập ngày 17-6-1929, tại nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Di sản quan trọng về mặt lý luận mà Đông Dương Cộng sản Đảng để lại là bản Tuyên ngôn. Tuyên ngôn phân tích sâu sắc chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, đồng thời vạch ra những bước đi của cách mạng Việt Nam, được Quốc tế Cộng sản biết đến và đánh giá cao.

            Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, tại Việt Nam còn xuất hiện hai tổ chức cộng sản nữa: An Nam Cộng sản Đảng (7-1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9-1929).

Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc đang ở Thái Lan. Từ Thái Lan, Người đến Hương Cảng (Trung Quốc) vào ngày 23-12-1929. Người triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất Đảng. Hội nghị thành lập Đảng diễn ra trong căn phòng nhỏ hẹp của xóm thợ thuyền tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) từ ngày 3-2-1930, do Nguyễn Ái Quốc, bí danh Vương, đại diện Quốc tế Cộng sản, chủ trì. Hội nghị tán thành ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, thông qua kế hoạch thành lập một đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

            Nhân Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi nhân dân Việt Nam tham gia cách mạng.

            Những văn kiện này là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, các Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản về phong trào giải phóng dân tộc, đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

            Đánh giá ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng” (1).

            Thành công của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm sáng tỏ thêm tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền vời tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.                                                                                  

(1) Hồ Chí Minh toàn tập - NXB CTQG - H - 1996 - T 10 - tr 8.

 

 


Số lượt người xem: 3853    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA