Sau khi về nước Nguyễn Ái Quốc bắt đầu sống và làm việc tại hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Cuối tháng 4/1941, theo đề nghị của Người, một cuộc hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng được triệu tập, để tổng kết kinh nghiệm tổ chức thí điểm các hội quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc nhằm tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc.
Từ ngày 10 đến 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám đã đề cập và làm rõ nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng lan rộng. Từ việc phân tích kỹ tình hình, thế và lực của cách mạng Việt Nam, Hội nghị quyết định "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (1).
Ngày 19/5/1941, Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) chính thức ra đời nhằm mục đích tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước.
Ngày 13/8/1942, với tên mới Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh. Ngày 27/8/1942, Hồ Chí Minh bị bắt. Hơn một năm trời, bị giải qua hơn 30 nhà lao, phải trải qua những ngày tháng bị giam cầm thiếu thốn, khổ cực, bệnh tật, thời gian này Người đã viết Ngục trung nhật ký. Tháng 9/1943, Người được trả tự do.
Cuối tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về Pác Bó (Cao Bằng). Trước tình hình thế giới, cùng những điều kiện thuận lợi và khó khăn của cách mạng Việt Nam, sau khi phân tích tình hình và cân nhắc những điều kiện, chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đẩy mạnh phong trào cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Người quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (nay là Quân đội nhân dân Việt Nam). Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Sam Cao (còn gọi là Trần Hưng Đạo), thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 đội viên do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Sự ra đời và những hoạt động của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một biểu hiện sinh động của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Đây vừa là sự kế thừa, phát triển di sản quân sự truyền thống của cha ông ta trong lịch sử, vừa là sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng lý luận quân sự hiện đại của học thuyết Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Để có thể kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước, đầu tháng 5/1945, Hồ Chí Minh quyết định chuyển về hoạt động tại Tuyên Quang, nơi phong trào cách mạng phát triển, giao thông giữa miền xuôi và miền ngược đều thuận tiện. Đến giữa tháng 8/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, khởi nghĩa từng phần đã cuồn cuộn dâng lên từ Bắc đến Nam. Trong khi đó, quân Đồng minh đã đánh bại quân đội phátxít Nhật. Thời cơ tổng khởi nghĩa chín muồi, đã đến lúc nhân dân ta vùng dậy giành lại quyền độc lập của mình. Trước cơ hội có một không hai ấy, tại Tân Trào, thủ đô lâm thời của nước Việt Nam mới, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15/8/1945, quyết định Đảng phải phát động và lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Hồ Chí Minh dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào. Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Thực hiện quyết định của Đảng và của Quốc dân Đại hội Tân Trào, chớp đúng thời cơ, toàn dân ta từ Bắc đến Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị đã đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền từ tay phátxít Nhật. Sức mạnh của nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bùng lên thành bão táp cách mạng, quyết giành lại độc lập, tự do. Ngày 19/8, Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23/8 ở Huế, và ngày 25/8 ở Sài Gòn. Trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã thành công, làn sóng cách mạng và sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt mọi sự kháng cự của các thế lực thù địch, xoá bỏ bộ máy chính quyền của giai cấp thống trị, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân.
Ngày 02/9/1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho phong trào yêu nước, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, làm cho chủ nghĩa yêu nước vươn lên tầm thời đại, trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, mà sau này biểu tượng sáng chói trong hai cuộc kháng chiến lừng lẫy của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với việc tìm ra con đường cứu nước, phát triển của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới và châu Á nói riêng.
Chú thích (1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh tiểu sử.- H.: Chính trị quốc gia, 2010.- 803tr.
- Hồ Chí Minh toàn tập: T.3: 1930-1945.- H.: Chính trị quốc gia, 2009.- 654tr.
- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử: T.2: 1930-1945.- H.: Chính trị quốc gia, 2006.- 347tr.
- “Đề cương Tuyên truyền 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ...” của Ban Tuyên Giáo Trung ương.