SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
2
9
2
4
1
9
Tin tức sự kiện 06 Tháng Bảy 2011 11:10:00 SA

Hành trình theo chân Bác (Giai đoạn 1930 – 1945)

        Ngày 03/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức đảng khai mạc ở Cửu Long, Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Nguyễn Ái Quốc về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua những văn kiện chính thức của Đảng – Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt… do Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

Sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam, viết Lời kêu gọi gửi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột phải đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và giai cấp tư sản phản cách mạng để giành được độc lập; Lời kêu gọi là một trong những văn kiện quan trọng của hội nghị hợp nhất.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã thành công và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi, trí tuệ, uy tín và đạo đức cách mạng, tính chủ động, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Với uy tín và trí tuệ của mình, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Người sáng lập Đảng - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho lý luận cách mạng Việt Nam trong thời đại mới; chấm dứt khủng hoảng đường lối cứu nước triền miên từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hoá chung của nhân loại và xu thế của thời đại.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cao trào đấu tranh cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển mạnh, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 10/1934, Với bí danh Lin, Nguyễn Ái Quốc chính thức được nhận vào học Trường Quốc tế Lênin năm học 1934-1935. Kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lênin, Người được nhận vào công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Mátxcơva.

Vào khoảng nửa cuối tháng 11/1939, Nguyễn Ái Quốc tìm đường đi Côn Minh (Tỉnh Vân nam), tin tức từ trong nước đến Côn Minh rất đều đặn. Tại Côn Minh, nhờ sự giúp đỡ của Tỉnh ủy Vân Nam, Người bắt được liên lạc với Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta. Cuối tháng 2/1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Phùng Chí Kiên. Trao đổi với tổ chức đảng ở Côn Minh, Nguyễn Ái Quốc đề nghị đổi tên tờ Truyền tin thành Đ.T.

Ngày 20/6/1940, Ở Côn Minh, sau khi nghe tin Pari bị quân Đức chiếm, Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp tại Tòa soạn của báo Đ.T. Người phân tích đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam, phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng.

Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, thành một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đông Dương, một người chiến sĩ cộng sản quốc tế. Trong những năm tháng gian lao ấy, dù đã từng bị tù đầy trong lao tù đế quốc, nhưng Người vẫn kiên định con đường đã lựa chọn, đã kiên nhẫn chờ đợi để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam và những người bị áp bức. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc của Người đã trở thành hiện thực. 

Ngày 28/01/1941, Người đã trở về Tổ quốc …Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt – Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu xúc động. (còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

- Hồ Chí Minh tiểu sử.- H.: Chính trị quốc gia, 2010.- 803tr.

- Hồ Chí Minh toàn tập: T.3: 1930-1945.- H.: Chính trị quốc gia, 2009.- 654tr.

- Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử: T.2: 1930-1945.- H.: Chính trị quốc gia, 2006.- 347tr.

- Đề cương Tuyên truyền 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ... của Ban Tuyên Giáo Trung ương.


Số lượt người xem: 10198    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA