Về Quyền trẻ em
Quyền trẻ em là một bộ phận của quyền con người nói chung. Song do “còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý, trước cũng như sau khi ra đời”, trẻ em có các quyền dưới đây:
1-Quyền được đáp ứng nhu cầu cơ bản. Đó là các quyền: được sống và phát triển; ăn mặc; chăm sóc sức khỏe; được học hành; vui chơi, giải trí…
2-Quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột, lạm dụng và tổn thương về thể xác và tinh thần, được hưởng an toàn xã hội, không phải làm công việc độc hại…
3-Quyền được tham gia bàn bạc và quyết định đến những vấn đề có liên quan.
Quyền trẻ em được đề cập toàn diện và xác định về mặt pháp lý trong Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em.
Sau 20 năm soạn thảo dựa trên cơ sở của Tuyên ngôn về quyền trẻ em năm 1959, ngày 20/11/1989, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã chính thức thông qua Công ước về quyền trẻ em.
Công ước về quyền trẻ em được mở cho các nước ký vào ngày 26/01/1990 nhân kỷ niệm lần thứ 30 Tuyên ngôn về quyền trẻ em (1959-1989) và lần thứ 10 năm Quốc tề Thiếu nhi (1979-1989).
Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực từ ngày 02/9/1990, Đây là công ước đầu tiên đề cập toàn diện và xác định về mặt pháp lý các quyền của trẻ em theo hướng tiến bộ, trên cơ sở thừa nhận trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt. Công ước có tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên và là sự nhất trí đầu tiên của cộng đồng quốc tế về các quyền được xác định của trẻ em. Công ước là cơ sở thúc đẩy các nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em trên toàn thế giới. Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của Công ước là: Loài người phải dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mà mình có, những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải được quan tâm, phải đặc biệt lưu ý và dành mọi sự ưu tiên cho trẻ em trong những vấn đề có liên quan. Công ước còn định nghĩa thống nhất về các quyền của trẻ em trên tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt hệ thống chính trị, tín ngưỡng, văn hoá, tập quán…Công ước cũng quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em đó quy định tuổi thanh niên sớm hơn.
Cho đến nay, rất ít nước thực hiện được lý tưởng của Công ước về quyền trẻ em. Điều đáng nói là, khi có nhiều nước phê chuẩn Công ước, và bắt đầu đưa những nội dung của Công ước vào luật pháp nước mình, mặt khác, khi báo chí và dư luận xã hội ngày càng quan tâm thúc đẩy thi hành Công ước thì dần dần nó trở thành tiêu chuẩn cho tất cả các nước. Ở một số nước, Công ước là cơ sở cho những bộ luật về trẻ em.
Công ước còn là một công cụ bảo đảm các tổ chức quốc tế và các nước cấp viện trợ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em cho đúng hướng, tích cực và đúng đối tượng. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm và đạo lý, chứ không phải là vấn đề nhân đạo và từ thiện. Nhiều tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức phi chính phủ đã sử dụng Công ước làm cương lĩnh hành động.
Tuy nhiên, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em chưa phải là một công trình hoàn hảo, nhưng đó là sự khởi đầu quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện trọn vẹn các quyền của trẻ em trên toàn thề giới nhằm mục tiêu là tất cả trẻ em được thực sự sống trong hạnh phúc, bình đẳng và phát triển.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước (22/02/1990). Từ đó đến nay, Việt nam đã phê chuẩn 2 Nghị định thư bổ sung nhằm tiếp tục khẳng định sự cam kết mạnh mẽ đồi với việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em và nỗ lực trong việc xử lý hài hoà giũa Công ước quốc tế và pháp luật quốc gia, đặc biệt trong việc sửa đổi, bố sung những luật liên quan tới quyền trẻ em.
Ngoài ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã huy động sự tham gia đóng góp của xã hội cho các chương trình và dự án có trẻ em. Một hệ thống Quỹ bảo trợ trẻ em và nhiều hình thức khác từ trung ương đến địa phương đã có những hoạt động tích cực như: Chương trình Phẩu thuật nụ cười đã giải quyết cơ bản tình trạng trẻ em sứt môi, hở hàm ếch trong cả nước; Chương trình vì ánh mắt trẻ thơ đã mang lại ánh sáng cho hàng ngàn trẻ em mù; Chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã mang lại hiệu quả cao. Hàng trăm dự án hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước được tiến hành nhằm tranh thủ nguồn lực thực hiện các mục tiêu vì trẻ em: Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em và đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho trẻ em; tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện để trẻ em khó khăn có cơ hội phát triển bình đẳng; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh cho trẻ em; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em, các diễn đàn trẻ em để bày tỏ ý kiến về các vấn đề bức xúc cần giải quyết của trẻ em, đóng góp xây dựng các chương trình, kế hoạch liên quan đến trẻ em. Có phương án hành động bảo vệ trẻ em, ngăn chăn nhịp độ gia tăng của trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị buôn bàn, trẻ em nghiện hút, trẻ em vi phạm pháp luật…và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa xôi nói riêng, bảo đảm cho mọi trẻ em có cơ hội bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ xã hội…
Tuy nhiên, việc giải quyết tận gốc tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em làm trái pháp luật, đến nay, vẫn cần một giải pháp phù hợp, có hiệu quả…