Mỗi khi nghe bài hát: “…Bác thương đàn cháu nhỏ, trung thu gửi cho quà, Bác như điệu dân ca ru em bé vào đời….”; và mỗi khi đọc câu thơ của Bác: “Trung thu trăng sáng như gương, Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”; chúng ta lại nhớ tới tấm lòng yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ đối với thiếu nhi Việt Nam và thiếu nhi quốc tế. Hình ảnh Bác tắm gội, chữa bệnh sài lở cho các cháu thiếu nhi ở Pắc Bó, hai lần thăm và tặng quà cho các cháu trại trẻ mồ côi; mua quà tặng thiếu nhi Việt Bắc, nhiều lần gửi thư cho các cháu thiếu nhi cả nước, vui múa hát với thiếu nhi; dành táo cho thiếu nhi nước ngoài, ngay trong ngục tù của Tưởng Giới Thạch, Bác vẫn động lòng thương cảm cháu thiếu nhi Trung Hoa phải theo mẹ vào tù: Cha trốn không đi lính nước nhà, Nên nổi thân em vừa nửa tuổi;Phải theo mẹ đến ở nhà pha” (Nhật ký trong tù).
Bác càng cảm thương thiếu nhi nước ta trước tháng 8/1945 phải sống cảnh đời nô lệ, nước mất nhà tan. Ngày 15/5/1941, Hội nhi đồng cứu quốc được thành lập ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà (vùng Pắc Bó), huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và được gia nhập Mặt trận Việt Minh. Nhân dịp ngày lịch sử vẻ vang đó của Đội ta, Bác Hồ kính yêu đã viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” thể hiện tình cảm yêu thương và kêu gọi Hội nhi đồng
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn, biết ngủ , học hành là ngoan.
Chẳng may vận nước gian nan,
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng….”
(Thơ “Kêu gọi thiếu nhi” của Bác Hồ).
Bác khuyên và cỗ vũ thiếu nhi:
“...Người lớn cứu nước đã đành,
Trẻ em cũng góp phần mình một tay.
Bao giờ đuổi hết Nhậ , Tây
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng...”
(Thơ “Kêu gọi thiếu nhi” của Bác Hồ).
Từ năm 1957- 1960, Bác Hồ đã nhiều lần đến thăm, động viên học sinh miền Nam tập kết ở nhiều chiến trường ra miền Bắc học tập; Bác thường xuyên căn dặn thiếu nhi và các anh chị phụ trách miền Nam tập kết ra miền Bắc học tập và sinh hoạt: “Trong thời gian ở đây, gần Đảng, gần Chính phủ, gần Bác; các cháu và các cô chú nên hăng hái học tập và công tác, sao cho đến ngày nước nhà thống nhất trở lại quê hương, các cháu và các cô, chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, cũng như về mọi mặt khác” (Làm theo lời Bác dạy- NXB Kim Đồng, 1966. tr 46).
Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Việt Nam (15/5/1941-15/5/1961), Bác hồ kính yêu đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước. Trong thư Bác đã căn dặn các em 5 điều:
“Yêu tổ quốc, yêu đồng bào,
Học tập tốt, Lao động tốt,
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,
Giữ gìn vệ sinh thật tốt,
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
( Báo Nhân dân, ngày 26/9/1963).
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6/1969, Bác viết thư gửi thiếu nhi, có đoạn viết: “Nói chung trẻ con ta rất tốt. Ở miền Nam, các cháu bé rất dũng cảm, đã hăng hái giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ gia đình có ngươì kháng chiến, làm giao liên, đánh du kích,..v.v… Nhiều cháu mới hơn 10 tuổi đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ. Ở miền Bắc, các cháu đều hăng hái thi đua làm “nghìn việc tốt” như giúp đỡ gia đình bộ đội, trả lại của rơi, gan góc liều lĩnh cứu bạn.v.v…”. Người nhấn mạnh: “Thiếu niên , nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Bác kết luận: “Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta; mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”. Và Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên “là người phụ trách dìu dắt các cháu nhi đồng”.
Xúc động biết bao khi đọc Di chúc của Bác Hồ: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu thương cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế ”.
Bác Hồ tuy đã đi xa, nhưng tình yêu thương vô bờ bến của Người đối với thiếu nhi vẫn mãi được ghi tạc trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và sống mãi với muôn đời con cháu mai sau.