SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
6
3
2
4
3
5
4
Tin tức sự kiện 28 Tháng Tư 2011 4:50:00 CH

Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”

            Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi. Ngày 3-9- 1945, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã đề nghị tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I.

            Sáng ngày 5-1-1946, báo Cứu quốc, số 134, đã đăng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

            Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

            Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng...” (1)

            Chiều ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Việt Nam học xá (nay là Trường đại học Bách khoa) dự Lễ ra mắt các ứng cử viên trước toàn thể nhân dân Hà Nội. Người đến sớm trước một giờ, thăm nơi ở và học tập của học sinh.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt các ứng cử viên phát biểu ý kiến: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta vừa giành được độc lập... Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc về cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo. Ban Mê Thuột... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay” (2)

            Tiếp đó, Người quay sang phía ứng cử viên, nhắc nhủ: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn

đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung” (3)

            Hướng về các cử tri, Người thân mật căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy” (4)

            Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên - Quốc hội lập hiến của nước Việt Nam - diễn ra trong cả nước, kể cả trong các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... Hàng triệu cử tri của nước ta ghi lòng tạc dạ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồ hỡi, phấn khởi làm tốt nhiệm vụ công dân của mình để lựa chọn những người đại diện thật xứng đáng trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

            Quốc hội khóa I do cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra, đã hội tụ các đại biểu của ba miền Trung Nam Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, từ những nhà cách mạng lão thành nối tiếng như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng... cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết như Nguyễn Đình Thi vừa tròn 22 tuổi. Quốc hội còn bao gồm những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô.... những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Thai Mai, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát...những nhà tu hành như Linh mục Phạm Bá Trực, Thượng tọa Thich Mật Thể, Chưởng quản Cao Đài Cao Triều Phát...kể cả sự có mặt của Vĩnh Thụy, tức cựu Hoàng Bảo Đại vừa mới tuyên bố thoái vị trước đó 4 tháng và những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như cựu thượng thư Bùi Bằng Đoàn...

            Ngày 22-5-2011 là ngày cả nước tưng bừng trong Ngày hội lớn, ngày toàn thể cử tri với ý thức làm chủ, nêu cao tinh thần yêu nước hăng hái đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Phát huy quyền dân chủ của mỗi cử tri, chúng ta sẽ lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất, và tin tưởng sâu sắc rằng, Quốc hội khóa XIII sẽ là một tập thể vững mạnh, đủ đức, đủ tài gánh vác trách nhiệm vẻ vang được nhân dân giao phó.

(1)(2)(3)(4) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG-H-1995-T4- tr 116,133,145,147


Số lượt người xem: 4540    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA