SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
1
7
5
7
6
Tin tức sự kiện 20 Tháng Tư 2011 8:35:00 SA

Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2011) - Đồng chí Hà Huy Tập với cách mạng Việt Nam

            Tháng 8-1926, Khi còn là giáo viên của Trường Tiểu học Cao Xuân Dục (Nghệ An) đồng chí Hà Huy Tập đã tham gia hoạt động trong Hội Phục Việt – tổ chức bí mật của những người yêu nước được thành lập tại Vinh ngày 14-7-1925. Bị thực dân Pháp theo dõi, và để che mắt kẻ thù, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam. Ngoài việc dạy học, đồng chí Hà Huy Tập tham gia diễn thuyết, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho phong trào công nhân ở Vinh.

            Nhận thấy sự nguy hiểm của Hội Hưng Nam và những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập, bộ máy thực dân phong kiến ở Nghệ An đã quyết định chuyển đ/c Hà Huy Tập tới một vùng khí hậu độc hại, giao cho làm hiệu trưởng. Đồng chí Hà Huy Tập từ chối đến nhiệm sở, nên bị cách chức.

            Đồng chí tiếp tục hoạt động bí mật đến cuối năm 1928, Đồng chí được Kỳ bộ Nam Kỳ Đảng Tân Việt (Hội Hưng Nam đã đổi thành Đảng Tân Việt tháng 7-1928) cử đi Trung Quốc để tránh sự vây bắt của thực dân Pháp, đồng thời là đại diện cho Đảng Tân Việt thương lượng với Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí

để hợp nhất hai tổ chức này.

            Tháng 6-1929, Quốc tế Cộng sản, thông qua Lãnh sự Xô viết ở Đại Liên, sau khi điều tra, đã đồng ý cấp tiền và hộ chiếu cho đồng chí Hà Huy Tập đến Mátxcơ-va. Và kể từ ngày 24-7-1929, Hà Huy Tập đã trở thành sinh viên của Trường đại học Phương Đông, với tấm thẻ số 4717, mang tên Xinhikin.

            Trong lúc chưa tìm được con đường trở về Tổ quốc, đồng chí Hà Huy Tập đã tập trung trí tuệ viết tác phẩm nổi tiếng: “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”. Đây là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, với bút danh là Hồng Thế Công.

            Khi đồng chí Lê Hồng Phong đẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta lên đường dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đồng chí đã trở thành người chủ trì Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài. Đồng chí vừa là người soạn thảo các văn kiện,  vừa là người điều khiển Đại hội I của Đảng tiến hành từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại căn nhà số 2, đường Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc). Đồng chí Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ, đồng thời được cử giữ chức Thư ký của Đảng.

            Sau khi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đồng chí Lê Hồng Phong trở về Trung Quốc, cùng với đồng chí Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị BCHTW Đảng vào ngày 26-7-1936, tại Thượng Hải. Hội nghị đã đề xuất việc thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi để tập hợp lực lượng đấu tranh chống thực dân phong kiến. Tại Hội nghị này, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

            Sau đó, đồng chí Hà Huy Tập quyết định về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cơ quan lãnh đạo của Đảng chuyển về vùng Bà Điểm, Hóc Môn, ngoại thành Sài Gòn. Trong lúc ấy, các thế lực tờrốt-kít ráo riết hoạt động chống phá cách mạng. Một thời kỳ đấu tranh mới bắt đầu diễn ra sôi nổi, đặc biệt, ở Nam Bộ. Tổng Bí thư Hà Huy Tập, với bút danh Thanh Hương, đã viết tác phẩm: “Tở-rốtkít và phản cách mạng”, vạch rõ bộ mặt thật của bọn tôn sùng chủ nghĩa Tơ-rốt-kít. Tạp chí Bôn-sêvích do đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo đã có nhiều bài xã luận, bình luận chính trị sắc sảo do chính đồng chí viết dưới các bút danh khác nhau. Các bài viết trong các báo đó đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong nhân dân lao động và giới trí thức yêu nước. Trước tình hình mới, đồng chí đã tích cực chuẩn bị cho ra đời một tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt để tuyên truyền được rộng rãi hơn.

            Trước tình hình chính trị nước Pháp và ở Đông Dương có những biến động lớn do chủ nghĩa phát xít tiến hành những hành động nguy hiểm để gây chiến tranh thế giới, Hội nghị BCHTW Đảng mở rộng trong ngày 29 va 30- 3-1938 tại Tân Thới Nhất, Bà Điểm, Hóc Môn, đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập. Không giữ cương vị Tổng Bí thư, nhưng đồng chí vẫn là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. 

            Ngày 1-5-1938, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Do không đủ chứng cớ, chúng phải trả tự do, nhưng buộc phải trở về quê quán. Ngày 30-3-1940, thực dân Pháp lại bắt đồng chí đưa vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 22-10-1940, tòa án thực dân Pháp ở Sài Gòn kết án đồng chí 5 năm tù giam, trục xuất khỏi Nam Kỳ sau khi mãn hạn, Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra tháng 11-1940, đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp gán cho tội chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa này. Ngày 28-8-1941, đồng chí và một số cán bộ cao cấp của Đảng bị kẻ thù đưa ra pháp trường. Đồng chí Hà Huy Tập ngã xuống ở tuổi 35 đang tràn đầy nhựa sống dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc.


Số lượt người xem: 4972    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA