SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
3
8
2
9
2
3
Tin tức sự kiện 24 Tháng Mười Hai 2010 5:35:00 CH

Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 – 20/1/2010):

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - “Một trí thức yêu nước, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính”

            Cùng với những ngày lễ lớn của dân tộc trong năm 2010, đất nước ta kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 – 20/1/2010) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (10-7-1910) - Người mà cuộc đời hoạt động của mình gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc nói chung và của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng.

            Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10-7-1910, trong một gia đình viên chức tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mới 11 tuổi, người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ đã xa gia đình một mình sang Pháp du học. Sau 11 năm du học ở Pháp, trở về nước với tấm bằng Cử nhân Luật hạng ưu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm tập sự tại văn phòng luật sư Đuy-kê-nay, sau đó mở văn phòng riêng ở Mỹ Tho; năm 1946, nhận chức Chánh án Tòa án tỉnh Vĩnh Long, rồi từ chức Chánh án lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư tại nhà số 152 đường Đờ Gôn (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa).

            Ngày 25-4-1947, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị Chính phủ Pháp chấm dứt mọi hành vi chiến tranh, mở ngay những cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình, sớm kết thúc chiến tranh. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tích cực vận động các nhân sĩ, trí thức ký vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đòi Chính phủ Pháp đáp ứng yêu cầu chính đáng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ trong một tuần lễ đã có hàng trăm luật sư, kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nhà giáo, nhà báo... ký tên vào bản Tuyên ngôn bày tỏ sự ủng hộ của mình. Đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 57 Ngày sinh của Bác Hồ, luật sư cùng một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu của Sài Gòn - Chợ Lớn trao bản Tuyên ngôn tận tay Cao ủy Pháp tại Đông Dương Ê-min Bô-la-e để chuyển về Chính phủ Pa-ri. Bản Tuyên ngôn được đăng trên báo tiếng Việt và tiếng Pháp, xuất bản trong nước và ở Pháp. Việc làm này đã tác động mạnh đến chính quyền thực dân ở Đông Dương và Chính phủ Pháp, là một bước quan trọng tập hợp lực lượng những người trí thức, các giới đồng bào yêu nước vào cuộc đấu tranh cách mạng ở miền nam thời bấy giờ. Năm 1948, luật sư Nguyễn Hữu Thọ gia nhập Hội Liên Việt (cùng với Mặt trận Việt Minh, Hội Liên Việt là một hình thức tổ chức của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Đến năm 1951, hai tổ chức Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thống nhất thành Mặt trận Liên Việt), tiếp tục hoạt động đấu tranh hợp pháp giữa lòng địch ở thành phố Sài Gòn và miền Nam. Ngày 16-9-1949, Ban trí vận Thành ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức kết nạp luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại số 5, đường Léon Combes (đường Sương Nguyệt Ánh ngày nay) ngay tại trung tâm Sài Gòn đang bị địch chiếm đóng.Từ năm 1950 đến 1961, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, quản thúc nhiều lần ở Sài Gòn, Lai Châu (Bản Giẳng - nơi “rừng thiêng nước độc” lúc bấy giờ); Sơn Tây, Hải Phòng, Phú Yên. Kẻ thù dùng mọi thủ đoạn từ áp bức, tra khảo dã man đến dụ dỗ, mua chuộc... suốt 9 năm tù đày đồng chí vẫn không hề nao núng, một lòng, một dạ trung kiên với nước, trung hiếu với dân, kiên trì con đường cách mạng.

            Năm 1960, các giới, các chính đảng, các tôn giáo, các dân tộc... toàn miền Nam tham dự Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhất trí bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận ngay giữa lúc luật sư đang còn bị chính quyền Mỹ - Diệm quản thúc ở Phú Yên. Cuối tháng 11-1961, đồng chí được cách mạng giải thoát khỏi nơi quản thúc của địch ở Phú Yên và về vùng giải phóng. Tại Đại hội lần thứ I MTDTGPMNVN, tháng 2-1962, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3-1964, tại Đại hội lần thứ II Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu lại làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6-1969, tại Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, đồng chí được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn.

            Sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, tại Đại hội lần thứ nhất, thống nhất ba tổ chức Mặt trận thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1977 và Đại hội lần thứ hai (1983), đồng chí được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 11-1988, tại Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí được cử giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 1976, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI và giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 4-1980, đồng chí được giao Quyền Chủ tịch nước, đến tháng 7 -1 981 được Quốc hội khóa VII bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

            Nhận xét về đồng chí Nguyễn Hữu Thọ,Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính”./.


Số lượt người xem: 4476    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA