Trong báo cáo gửi Liên hiệp quốc, Cuba cho biết, cấm vận kinh tế của Mỹ là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của Cuba và đã gây thiệt hại cho quốc đảo này hơn 100 tỷ USD. Đây là cuộc cấm vận toàn diện, khốc liệt và dài nhất trong lịch sử đối với một quốc gia có chủ quyền, kéo dài qua 11 đời Tổng thống Mỹ, bắt đầu từ Eisenhower, vị Tổng thống thứ 34, đến Barắc Obama, vị Tổng thống thứ 44 hiện nay.
Năm 2010 là năm thứ 19 liên tiếp, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết với đa số áp đảo kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba. Đây là sự ủng hộ có ý nghĩa quan trọng của cộng đồng quốc tế với Cuba, tiếp thêm sức mạnh để nước này vững bước tiến theo con đường CNXH và tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng, cổ vũ lực lượng dân tộc, dân chủ và tiến bộ ở tây bán cầu.
Trong suốt gần 50 năm bị Mỹ bao vây, cấm vận, nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, đứng đầu là lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô và Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thách thức, làm thất bại mọi cuộc tiến công và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa đất nước tiếp tục tiến lên theo con đường đã chọn.
Những năm gần đây, kinh tế Cuba vẫn đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ: năm 2005 đạt 9%; 2006: 12%; 2007: 10%. Năm 2008: 4,3%. Năm 2009, do tác dộng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và nhất là ảnh hưởng thiên tai do ba cơn bão liên tiếp tràn vào nước này, hồi tháng 8 năm 2008, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD, khiến kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng trưởng 1,4%.
Cuba vẫn giữ vững và phát huy những thành quả xã hội ưu việt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục; tỷ lệ thất nghiệp 1,8%; tỷ lệ người mù chữ chỉ chiếm 0,2% dân số, mức thấp nhất trong khu vực Mỹ la-tinh. Tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 78 tuổi và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh 0,47%, là những chỉ tiêu sức khỏe tiên tiến trên thế giới.
Với tinh thần quật khởi không chịu khuất phục, Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Cuba đã và đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh, xóa bỏ những quy định không phù hợp, ban hành chính sách mới về kinh tế và bước đầu triển khai một số cải cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng trân trọng.
Cuba hiện có 5,1 triệu lao động tại các doanh nghiệp quốc doanh, chiếm 85% lao động cả nước, trong khi đó có nhiều cơ sở hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ triền miên. Theo lộ trình cải cách, đến tháng 3 năm 2011, sẽ tinh giản biên chế khoảng nửa triệu lao động, đồng thời với việc tiến hành giảm một số dịch vụ đối với công chức nhà nước như xóa bỏ những bếp ăn tập thể cung cấp những bữa ăn miễn phí cho người lao động. Số lao động được đưa ra khỏi biên chế Nhà nước được khuyến khích tự tìm kiếm việc làm hoặc thành lập các doanh nghiệp tư nhân và tổ hợp sản xuất. Chính phủ tạo mọi thuận lợi và cấp giấy phép kinh doanh cá thể. Những hộ kinh doanh cá thể có thể tiếp cận hệ thống an sinh Nhà nước, được mở tài khoản tại ngân hàng và vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh. Liên đoàn lao động Cuba cho rằng, Nhà nước không thể và cũng không nên tiếp tục duy trì tình trạng các doanh nghiệp quốc doanh dư thừa công nhân mà hiệu quả hoạt động thấp kém, thua lỗ, và đã tán thành việc tinh giản lao động. Đây là đợt cải tổ nhân lực lớn nhất kể từ khi cách mạng Cuba thành công vào ngày 1-1-1959.
Mọi tổ chức và người dân Cuba được khuyến khích sản xuất ra của cải vật chất nhằm cải thiện đời sống và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Chính phủ Cuba đã thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho các hộ sản xuất và họ được quyền tự do bán sản phẩm làm ra tại các chợ, tiến tới mục tiêu giảm 50% kim ngạch nhập khẩu lương thực, thực phẩm - gánh nặng của nền kinh tế nước này trong nhiều năm qua. Thời gian sở hữu đất của các nhà đầu tư nước ngoài vào Cuba được Chính phủ điều chỉnh từ 50 năm lên 99 năm.
Ở Cuba, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, quốc đảo này mới chỉ có hai sân gôn, một ở thủ đô La Ha-ba-na và một ở khu du lịch nổi tiếng Va-ra-đê-rô trên biển Ca-ri-bê. Chính phủ Cuba đã xúc tiến đàm phán với các đối tác nước ngoài về thực hiện 16 dự án sân gôn và các biệt thự cao cấp trong quần thể sân gôn được xây dựng. Đồng thời cũng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu những bất động sản nằm trong quần thể các sân gôn đó. Và, sau một thập kỷ, Cuba cho phép bán bất động sản cho người nước ngoài, sau khi đã mở cửa thị trường bất động sản cho đối tượng này vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Về chính sách đối ngoại, Cuba đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt và mềm dẻo, nên đã tranh thủ được sự hợp tác của các nước đối tác trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nhà đầu tư ở các tiểu bang nước Mỹ đã bắt đầu mở rộng làm ăn với Cuba, kể cả nhiều kiều dân Cuba cũng đã trở về nước kinh doanh với nhiều dự án có hiệu quả.
Những cải cách bước đầu của Cuba đã có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần giảm nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.