Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương tuyên truyền, vận động toàn xã hội thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa. Cụ thể nhất là Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tiếp theo đó, ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Mục đích xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa của nhân dân ta là “làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Quá trình thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa. Bước đầu đã hình thành những tập quán mới tiến bộ, lành mạnh. Có nhiều mô hình tốt, cách làm hay xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng địa phương, công sở, đơn vị đạt chuẩn văn minh, văn hóa … Ý thức đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái có sức lan tỏa trong cộng đồng. Hàng năm, qua điều tra… các địa phương, cơ quan, công sở được công nhận đạt chuẩn văn minh - sạch đẹp; gia đình văn hóa; gương người tốt, việc tốt có tăng hơn trước; nhu cầu chính đáng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân được quan tâm đúng mức; nhiều phong trào thiết thực như: “vì đường phố, khu phố không rác”, “mỗi tuần dành 15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp”, “Nói không với các hành vi thiếu văn hóa”… được phát động rộng rãi, người dân đồng tình, ửng ứng, tham gia ngày càng đông…
Tuy nhiên, nội dung, tinh thần nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chủ trương, qui định của Nhà nước vẫn chưa thấm nhuần sâu rộng trong xã hội, từng hộ gia đình, từng người dân… Một số hủ tục, mê tín dị đoan, lối sống thực dụng, thiếu tính tôn trọng cộng đồng, tệ nạn xã hội, cách sống phi luật pháp, hành xử thiếu văn hóa… vẫn xảy ra!
Hành vi văn hóa trong đời sống hằng ngày rất phong phú, sinh động mà lại cụ thể, ai cũng làm được, miễn có tấm lòng. Đó là đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn, chòm xóm, láng giềng có nhau, giúp nhau trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng đời sống tốt đẹp, xây dựng, bảo vệ môi sinh, môi trường thân thiện với con người…
Việc thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa nếu được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và càng ngày càng lan tỏa, thực hiện đều khắp trong cộng đồng sẽ hướng xã hội đi vào trật tự, kỷ cương, tiến bộ, văn minh, lấn át những cái xấu, cái ác, cái chưa tốt, hạn chế để đi đến xóa bỏ tệ nạn xã hội, tạo nên đời sống tinh thần tốt đẹp bền vững, tạo sự chuyển biến, đồng thuận từ nhận thức đến hành động, để mỗi một người dân tự giác góp phần xây dựng giá trị đích thực của nếp sống văn minh, đời sống văn hóa ở nơi cư trú và trong cộng đồng xã hội./.