SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
0
4
2
4
9
Tin tức sự kiện 10 Tháng Hai 2010 9:15:00 SA

Tranh Tết

H

ình ảnh, không khí xuân mới sẽ trở nên tẻ nhạt nếu thiếu những bức tranh. Chơi tranh Tết là một thú vui - nhu cầu - phong tục cổ truyền rất đẹp của nhân dân ta. Vừa hồn nhiên, tươi sáng, sống động, vừa lắng đọng, đậm đà chất dân tộc. Tranh Tết thể hiện sâu sắc giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn.
         Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, trong nhà dịp Tết thường phải có tranh treo để cảnh sắc thêm vui tươi, rực rỡ, con người thêm sảng khoái, giàu sức sống và xua đi những điều ám muội, rủi ro. Tranh Tết chính là hình ảnh cô đọng của sinh hoạt hàng ngày - người ta thường ngắm nó mà nhớ lại năm qua và hình dung những gì sẽ gặp, sẽ làm trong năm tới. Tranh Tết còn thể hiện những ước vọng về một cuộc sống thuận hoà, khỏe mạnh, hạnh phúc... cùng khát khao hướng tới Chân - Thiện - Mỹ.
         Tranh Tết có đủ loại, dùng cho nhiều đối tượng và mục đích: tranh thờ, tranh đố, tranh cầu lộc, tranh người lớn, tranh trẻ em... Những gia đình trí thức thường thích tranh bộ: Nhị bình - 2 bức (như chim công múa - cá chép trông trăng), Tứ bình - 4 bức (như mai - lan - cúc - trúc tượng trưng cho 4 mùa hoặc 4 tố nữ chơi đàn - thổi saó - gõ phách - ca hát). Phần lớn các gia đình nông dân thích treo những bức tranh dân gian cổ truyền. Ngoài cổng, có nhà dán 2 bức vẽ: một bên là Ông Tiến Tài, bên kia là Ông Tiến Lộc, trang phục đều kiểu quan văn, mặt hồng hiền từ, mỗi vị mang một tấm biển (Tiến tài, Tiến lộc) - với mong ước năm mới sẽ làm ăn phát đạt.
        Trong nhà, treo, dán nhiều tranh hiền lành và ngộ nghĩnh hơn. Tranh Gà trống sặc sỡ và oai vệ. Tranh Mẹ con đàn gà và Mẹ con đàn lợn thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã cùng mơ ước gia đình đông vui, thuận hoà.                 Loại tranh lịch sử như Trưng Trắc cưỡi voi đuổi giặc, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận... cũng rất được ưa chuộng trong dịp Tết vì nó tạo cảm giác ấm áp, hùng tráng và linh thiêng. Còn nhà nào nhiều trẻ con thì lại thường chơi các tranh: Phú quý (vẽ hình đứa bé tóc trái đào, đang giữ con vịt), Vinh hoa (cũng vẽ đứa bé như vậy, nhưng không giữ con vịt mà giữ gà trống), Thất đồng (7 cậu bé đang hồn nhiên hái quả), Tử tôn vạn đại (4 em bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...
       Đặc biệt, từ lâu con hổ đã trở thành đề tài hấp dẫn của tranh Tết. Là biểu tượng sức mạnh, quan niệm tín ngưỡng cho rằng hổ mang uy lực thiêng liêng có thể diệt trừ mọi ma quỷ, rủi ro. Hội họa dân gian Việt Nam thần thánh hóa con hổ bằng trường phái tranh thờ Hàng Trống - vẽ hổ để treo thờ với tư cách là những vị thần trấn giữ các phương trời đất. Có  loại tranh đơn hổ: hoàng hổ (một hổ vàng), bạch hổ (một hổ trắng), hắc hổ (một hổ đen)…và đa hổ: ngũ hổ (năm con hổ), tứ hổ (bốn con hổ)…Trong tranh đơn hổ, nếu là hổ ngồi thì thường hai chân trước chụm lại, hai chân sau dạng ra, đuôi cong nhưng hơi cứng - ngoặt từ dưới bụng rồi thẳng vút lên trên, đôi mắt xanh xếch ngược trông dữ tợn, phù hợp với cái mồm mím chặt, xung quanh hổ được trang trí những dải mây uốn lượn huyền bí; còn nếu là hổ đằng vân thì ở tư thế nhảy múa giữa mây, trăng, sao…- trông khỏe, đẹp và thiêng. Trong tranh ngũ hổ, bốn con hổ, mỗi con mang một màu lông: xanh - đỏ - trắng - đen, tượng trưng cho tứ phương (đông - nam - tây - bắc), tứ hành (mộc - hỏa - kim - thủy), tứ thời (xuân - hạ - thu - đông) đang chầu vờn quanh một con hổ vàng to hơn (được coi là “thần đất”) ngồi oai nghiêm tại trung tâm, ôm giữ ấn tín, sắc phong…để trị vì. Bỏ qua phương diện phong kiến và tín ngưỡng, nếu chỉ xét về phương diện sum họp, gia đình, nhiều người cho rằng tranh ngũ hổ mang ý nghĩa khác: Mẹ con đàn hổ (một đề tài rất phổ biến trong tranh dân gian Việt Nam, cũng như Mẹ con đàn lợn, Mẹ con đàn gà…).
        Có nhiều nơi làm tranh Tết, nhưng nổi tiếng vẫn là phố Hàng Trống (Hà Nội) và làng Đông Hồ (Bắc Ninh). Tranh Hàng Trống thuộc loại tranh thờ (vẽ hổ, rồng, thần thánh...); kỹ thuật làm kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô mầu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước, luôn tạo được những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế, màu vẻ linh động. Tranh Đông Hồ toàn diện hơn với rất nhiều thể loại; in bằng tay trên bản gỗ nổi - mỗi màu in có ván khắc riêng (đôi khi tô màu phẩm bằng tay); giấy in là giấy dó, thường quét phủ một lớp phấn điệp hơi óng ánh; màu in rực rỡ, chế từ nguyên liệu thiên nhiên dễ kiếm (màu đen chế từ lá tre khô, vàng từ hoa hoè hay quả dành dành, xanh từ lá chàm, trắng từ vỏ sò nghiền mịn, đỏ tươi từ bột son...). Nhìn chung, các công đoạn kỹ nghệ làm tranh Tết đều khá phức tạp, đòi hỏi cao độ sức lao động sáng tạo và tài hoa nghệ nhân.

Số lượt người xem: 3420    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Thông điệp Tay chân miệng 2015
  • Thông điệp Sốt xuất huyết 2015
Tìm kiếm