SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
5
7
5
8
4
7
4
Tin tức sự kiện 10 Tháng Hai 2010 9:15:00 SA

BÁNH TÉT - ĐẶC SẢN NGÀY TẾT, HỘI THI BÁNH TÉT TẠI QUẬN 11

N

gày xuân, bà con Nam Bộ thường gói bánh tét bằng nếp có nhân đậu xanh và thịt mỡ. Liên quan đến loại bánh này, bộ “Đại Nam Quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của (xuất bản năm 1895) đã giải thích: Bánh gói như khúc cây tròn, đến khi ăn phải tét ra từng khoanh, cho nên gọi là bánh tét, cũng gọi là đòn bánh. Có người còn hiểu là bánh gói ngày tết (tiết), mà nói theo chữ là “thiên bỉnh”, hiểu theo nghĩa là “thiên viên địa phương”, tức là “trời tròn đất nước”. Do đó bánh tét có nguồn gốc rất gần gũi với truyền thuyết Bánh Dày Bánh Chưng, cũng tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”… Cho nên bây giờ, bà con mình gọi là bánh tét, bánh tết, bánh tiết… cũng đều đúng cả. Nó chỉ làm tăng thêm sự hoà nhập các bản sắc văn hoá truyền thống của cộng đồng và đậm đà thêm hương vị ấm áp của mùa xuân.
Do nhiều biến tấu khác nhau, chủ yếu từ khâu dùng nguyên liệu nên bánh tét cũng có nhiều “kiểu”. Thông dụng nhất vẫn là loại bánh tét truyền thống của bà con người Kinh. Đó là loại bánh tét nếp thường gói vào ngày tết hoặc giỗ quẩy, vừa “ăn chơi”, vừa làm quà biếu. Bởi thế, bà con rất coi trọng từ hình thức giản dị bên ngoài đến chất liệu ngon lành bổ dưỡng bên trong như nếp, đậu xanh, thịt mỡ…
 
Các thí sinh của đơn vị trường Lê Quý Đôn trong Hội thi Bánh Tét
 
Tuỳ điều kiện kinh tế, sở thích của mỗi gia đình, bánh có thể gói to- nhỏ khác nhau nhưng tất cả phải gói sao cho đẹp. Tiêu chuẩn đẹp đầu tiên của bánh tét là phải tạo thành những vòng tròn đồng tâm trong chiếc bánh. Gói bánh đã công phu, luộc bánh càng vất vã. Bánh lớn phải nấu bằng củi gộc từ chập tối đến sáng mới chín. Nhưng thú vị biết bao khi trong đêm giao thừa, dưới tiết trời se lạnh, cái lạnh ấm cúng của ngày tết, già trẻ gái trai ngồi xúm xít canh nồi bánh tét bên ánh lửa bập bùng, than củi nổ tí tách. Hoà với tiếng nước sôi reo vui trong nồi bánh là tiếng cười đùa, trò chuyện râm ran… Tuy thiếu một vầng trăng thơ mộng, nhưng ngọn lửa bếp lung linh nồng ấm cũng gợi bao tình ý trong lòng. Và biết bao đôi trai tài gái sắc khăng khít nhau từ tình làng, nghĩa xóm đã nên duyên vợ chồng vẫn nhớ mãi hương vị mùa xuân của nồi bánh tét đêm ba mươi. Còn đám trẻ thì quá hồn nhiên, cứ lăng xăng, cười đùa rồi nôn nao, hít hà chờ bánh chín. Nhiều bé chờ không nổi, ngủ luôn trong lòng bà, lòng mẹ, mơ ngày mai sẽ được ăn bánh ngon, được mặc áo mới đi chúc thọ ông bà, cha mẹ, đi lễ tết thầy và được người lớn lì xì nhiều phong đỏ…
Đến tay người Hoa - vốn nổi tiếng về ẩm thực, loại bánh tét nhân “thập cẩm” ra đời. Bà con người Hoa vẫn dùng nếp như người Kinh, hoặc dùng cốm dẹp bằng nếp trắng, nếp than theo kiểu người Khmer để làm vỏ bánh . Nhưng đến phần nhân, người Hoa dùng đậu xanh, đậu phọng luộc, mỡ hoặc thịt kho rục, trứng vịt, lạp xưởng… đúng theo khẩu vị “thập cẩm”. Và như bánh tét truyền thống, bánh này ăn cũng “khỏi chê”! Nó ngon đủ kiểu, đủ vị nhơ có nhiều nguyên liệu phong phú  nhưng khó để bánh được lâu vì nhân bánh dễ “biến chất”.
Trong các dịp lễ hội, bà con mình thường gói bánh tét nếp. Bánh tét cốm dẹp dùng để cúng chùa nhiều. Nếu bánh dùng không hết, trước đây người ta bảo quản bằng cách thả bánh ngâm trong giếng nước mát, sạch, để dành ăn đến cả tháng cũng không sao. Còn bình thường, bánh tét chỉ để dành độ mươi bữa, nửa tháng thì vỏ nếp bên ngoài đã se khô. Bánh như bị sượng lai, ăn không ngon. Không ngon không có nghĩa là “bỏ đi”. Lúc đó, bà con mình tét bánh băng dây lạt thành từng khoanh, đem chiên ớt thật cay. Đây cũng là món khoái khẩu của những người “sành điệu”, nhờ nó có vị thơm, bùi, béo của bánh tét; vị cay của ớt; dòn của rau, dưa ăn kèm…
Bánh tét của mình ngon là thế. Ngày tết dùng nó với xà bần, thịt kho, dưa hành, dưa kiệu…, nhấm thêm miếng rượu xuân thì còn gì bằng! Giá trị đích thực của nó còn là ý nghiã mang tính văn hoá trong ẩm thực, trong sinh hoạt truyền thống của gia đình, cộng đồng.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của Nam Bộ nói riêng và của dân tộc nói chung, vào dịp tết cổ truyền, Quận 11 tổ chức Hội thi bánh Tét. Tết Canh Dần 2010 là năm thứ 2 Hội thi được tổ chức từ cấp phường đến quận và được đông đảo bà con cả Việt lẫn Hoa hưởng ứng với  2 nội dung dự thi gồm Bánh Tét truyền thống và Bánh Tét sáng tạo. Năm nay hội thi cũng diễn ra tại Trung tâm Văn hóa vào ngày 09/02/2010, nhằm ngày 26 tháng Chạp âm lịch. Trung tâm Văn hóa dự kiến sẽ nâng tầm Hội thi bánh tét trở thành Hội thi truyền thống của ngành văn hóa hàng năm.

Số lượt người xem: 5099    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Thông điệp Tay chân miệng 2015
  • Thông điệp Sốt xuất huyết 2015
Tìm kiếm