SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
7
4
5
6
6
0
5
Tin tức sự kiện 06 Tháng Mười 2010 3:25:00 CH

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành quân giới Việt Nam (15-9-1945 - 15-9-2010)

 

Thiếu tướng, Giáo sư Viện sĩ,
Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa –
người đặt nền móng vững chắc cho ngành Quân giới Việt Nam
 
Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 9/8/1997), tên thật là Phạm Quang Lễ, quê tại xã Chấn Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha ông là nhà giáo yêu nước Phạm Quang Mùi (1882-1920). Mẹ ông là cụ Lý Thị Diệu (1881-1941), một người phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó. Cha ông mất khi ông mới 7 tuổi.
Mùa hè năm 1926, ông tốt nghiệp bậc tiểu học hạng ưu, rồi thi đỗ vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho. Ông được nhận học bổng trong 4 năm học tại đây, từ năm 1926 – 1930. Năm 1930, thi đỗ vào trường Trung học đệ nhị cấp, ông lên học trường Petus Ký (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1935, ông gặp nhà báo Dương Quang Ngưu (1897-1938) một Việt kiều từ Pháp. Nhận thấy những tư chất thông minh hiếm có cùng quyết tâm đi xa hơn học hành để giúp đất nước của ông, nhà báo Dương Quang Ngưu đã vận động Hội ái hữu trường Chasseloup Laubat cấp cho ông một năm học bổng học tại Paris. Ngày 5/9/1935, ông sang Pháp du học. Suốt 11 năm ở Pháp (1935-1946) ông chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là học cho kỳ được cách chế tạo vũ khí của phương Tây.
Từ năm 1936, ông đã được nghe biết đến tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ thời điểm này, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã định hướng về mặt chính trị cho ông. Sau khi tốt nghiệp các trường đại học, ông đã lần lượt làm việc tại ba công ty chế tạo máy bay của Pháp. Năm 1946, ông có mặt trong đoàn đại biểu Việt kiều đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”. Cảm động trước sự quan tâm của chủ tịch, ông trả lời: “Kính thưa Cụ. Nguyện vọng cao nhất của cháu là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Từ đó, Trần Đại Nghĩa bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở một hãng nghiên cứu - chế tạo máy bay với đồng lương tương đương 22 lạng vàng một tháng, ông quyết định theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số trí thức khác về nước (9/1946). Ngày 5-12-1946, đồng chí Trần Đại Nghĩa, được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Bác Hồ nói với ông: “Đây là một nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề. Chú cố gắng cộng tác với anh em, ra sức xây dựng ngành Quân giới, phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc rất có ý nghĩa đối với dân, với nước. Do vậy, kể từ nay, bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa.”
Cuối tháng 2 năm 1947, công binh xưởng dưới sự chỉ đạo của ông đã sản xuất thành công súng badôca với độ xuyên sâu 75cm trên tường thành gạch xây tương đương với sức nổ xuyên của đạn badôca do Mỹ chế tạo. Ngày 5 tháng 3 năm 1947, đạn badôca vừa xuất xưởng đã được sử dụng bắn cháy 2 xe tăng của quân Pháp tại vùng chùa Trầm (Hà Đông). Chiến công này góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của quân Pháp ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai. Trong chiến dịch Thu Đông (1947), súng badôca còn bắn thủng cả tàu chiến Pháp ngược dòng sông Lô lên Việt Bắc. Vũ khí của Việt Nam lúc này rất hiếm, riêng badôca là loại vũ khí quí. Trong lịch sử chiến tranh, badôca xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1943, đối với một đất nước vừa thoát khỏi cảnh thuộc địa và nửa phong kiến đã chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, quả là một huyền thoại. Năm 1948, lúc 35 tuổi, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
 Ngày Quốc tế lao động năm 1952, ông được tuyên dương Anh hùng lao động trong số bảy Anh hùng của Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc được tổ chức tại Việt Bắc. Hòa bình lập lại, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công nghiệp và xây dựng. Năm 1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ hiệu trưởng đầu tiên của trường. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học Liên xô, danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học thời kỳ đó.
Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ông được điều trở lại quân đội giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần phụ trách kỹ thuật rồi sau đó kiêm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật Quân đội Nhân dân Việt Nam từ năm 1972 đến năm 1977. Trong thời kỳ này, ông có những đóng góp không nhỏ trong việc cải tiến vũ khí, kỹ thuật nhằm chống lại chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 3 năm 1977 ông chuyển ngành và được cử giữ chức Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam. Năm 1983, ông nhận nhiệm vụ vận động đội ngũ trí thức trong tất cả các ngành khoa học và công nghệ thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội). Giáo sư Trần Đại Nghĩa trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội, nhiệm kỳ 1983-1988. Đồng thời, ông còn là Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam.
 Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học lớn rất yêu nước, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết và thiết tha với sự nghiệp khoa học. Cả cuộc đời, ông đã luôn chăm lo, bồi dưỡng và đặt nhiều kỳ vọng vào lớp trí thức trẻ góp sức làm vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam.

Số lượt người xem: 8405    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Thông điệp Tay chân miệng 2015
  • Thông điệp Sốt xuất huyết 2015
Tìm kiếm