TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH – NGƯỜI HỌC TRÒ XUẤT SẮC
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, NHÀ LÃNH ĐẠO KIÊN ĐỊNH VÀ SÁNG TẠO
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915 trong một gia đình công chức tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Năm 1929, tham gia Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo. Ngày 01/5/1930, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, đồng chí được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1939, Đảng điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Cuối năm 1939, được phân công tham gia lập lại Xứ uỷ Trung kỳ. Đầu năm 1941, bị địch bắt ở Vinh, rồi bị đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam Bộ hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo kháng chiến với các chức vụ Bí thư Thành uỷ, Bí thư Đặc khu uỷ Sài Gòn - Gia Định. Năm 1947, được bầu vào Xứ uỷ Nam Bộ; Năm 1949, tham gia Thường vụ Xứ uỷ Nam Bộ. Từ 1957 đến 1960, là quyền Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 12/1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công giữ các chức vụ Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Sau đó, được phân công theo dõi thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam. Tháng 12/1981, làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6/1986, được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, và được phân công Thường trực Ban Bí thư. Tháng 12/1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Tháng 6/1987, được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá VIII. Tháng 6/1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1996, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, được cử lại làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27/4/1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên trọng trách Tổng Bí thư khoá VI, Đảng ta trân trọng ghi công: “Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế” .
Kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta không bao giờ quên những bài viết với bút danh N.V.L trong mục “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, đã thật sự thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nói đúng sự thật, thúc đẩy sự đổi mới tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, đổi mới hoạt động ở các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân; cũng là dịp tôn vinh công lao của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về một tấm gương kiên cường phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc; về chí khí cách mạng của người cộng sản, về tư duy đổi mới, phong cách tập thể, dân chủ, tác phong sâu sát quần chúng, lời nói đi đôi với việc làm.