TỔ CHỨC VÀ NGUYẾN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA ASEAN
Hiệp hội các nước Đông - Nam Á (The Association of Southeast Asian Nations) được thành lập ngày 8-8-1967 với 5 nước tham gia: Thái Lan, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Phi-lip-pin. Năm 1984, Bru-nây được kết nạp vào ASEAN. Đến nay, ASEAN đã có 10 thành viên (Việt Nam gia nhập năm 1995; Lào và Mi-an-ma năm 1997; Căm-pu-chia năm 1998).
Tôn chỉ, mục đích của ASEAN là thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực qua các chương trình hợp tác; bảo vệ sự ổn định chính trị và kinh tế cho các nước thành viên; là diễn đàn giải quyết những tranh chấp và xung đột trong khu vực.
A- Tổ chức
Cơ cấu tổ chức hiện nay của ASEAN bao gồm:
- Hội nghị những người đứng đầu Chính phủ: Còn gọi là Hội nghị cấp cao ASEAN, cơ quan quyền lực cao nhất của ASEAN. Hội nghị cấp cao họp chính thức 3 năm một lần, giữa các cuộc họp cấp cao chính thức hằng năm đều họp cấp cao không chính thức, để đề ra phương hướng, chính sách chung cho hoạt động và đưa ra quyết định về các vấn đề lớn của ASEAN.
- Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM): Là Hội nghị thường niên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, có trách nhiệm đề ra và phối hợp các hoạt động của ASEAN. AMM và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế (AEM) có trách nhiệm báo cáo chung lên những người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị cấp cao.
- Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM): AEM họp chính thức hằng năm, ngoài ra có thể họp không chính thức khi cần thiết nhằm chỉ đạo các mặt hợp tác kinh tế và có trách nhiệm báo cáo công việc tại Hội nghị cấp cao. Trong AEM có Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
- Các cuộc họp khác: Ngoài các cuộc họp trên, còn có các các Hội nghị Bộ trưởng các ngành, các Hội nghị cấp Bộ trưởng hoặc tương đương khác, Hội nghị liên tịch các Bộ trưởng , Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM), Hội nghị các quan chức kinh tế cao cấp (SEOM), Hội nghị các quan chức cao cấp khác, Hội nghị tư vấn chung (JCM), các Hội nghị của ASEAN với các bên đối thoại. Cùng với AMM hằng năm, ASEAN có cuộc họp với tất cả các bên đối thoại (PMC+10) và Hội nghị giữa ASEAN với từng bên đối thoại (PMC+1).
- Tổng thư ký ASEAN: Tổng thư ký ASEAN được những người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên bổ nhiệm với nhiệm kỳ 3 năm và có thể gia hạn thêm, nhưng không quá 1 nhiệm kỳ nữa. Tổng thư ký có hàm Bộ trưởng với quyền hạn lớn hơn: Khởi xướng, khuyến nghị và phối hợp các hoạt động của ASEAN, chịu trách nhiệm trước Hội nghị cấp cao ASEAN, các Hội nghị Bộ trưởng khi đang họp và trước Chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN giữa các kỳ họp, cũng chủ toạ các cuộc họp Uỷ ban thay cho Chủ tịch trừ phiên họp đầu tiên và cuối cùng.
Tổng thư ký được tham dự các cuộc họp tư vấn chung với các quan chức cao cấp và các Tổng giám đốc ASEAN.
- Uỷ ban thường trực ASEAN (ASC): Bao gồm Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao của nước đăng cai Hội nghị AMM sắp tới, Tổng thư ký và Tổng Giám đốc của các Ban thư ký ASEAN quốc gia. ASC thực hiện công việc của AMM trong thời gian giũa hai kỳ họp và báo cáo trực tiếp cho AMM.
- Ban Thư ký ASEAN quốc gia: Mỗi nước thành viên đều có Ban thư ký quốc gia đặt trong Bộ Ngoại giao để tổ chức thực hiện và theo dõi các hoạt động liên quan đến Hiệp hội của nước mình.
- Uỷ ban ASEAN ở các nước thứ ba: ASEAN thành lập ở mỗi nước đối thoại một Uỷ ban, gồm những người đứng đầu các cơ quan ngoại giao của các nước ASEAN tại nước sở tại.
- Ban Thư ký ASEAN: Để tăng cường phối hợp thực hiện các chính sách, chương trình và các hoạt động giữa các bộ phận trong ASEAN.
- Các tổ chức thuộc ASEAN gồm có: Tổ chức liên minh Quốc hội ASEAN (AIPO); Hội đồng phối hợp đầu tư ASEAN (ASEAN - CCI); Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ); Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); Hiệp định về khu vực đầu tư ASEAN (AIA); Uỷ ban văn hóa và thông tin ASEAN (COCI); Uỷ ban phát triển xã hội của ASEAN (COSD); Tổ chức các quan chức cấp cao ASEAN về môi trường (ASOEN); Uỷ ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST); Tổ chức các quan chức cấp cao ASEAN về các vấn đề ma tuý (ASOD); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Công ty Bảo hiểm ASEAN (AIC)
B- Các nguyên tắc hoạt động chính
Trong quan hệ với nhau, các nước ASEAN dựa trên 5 nguyên tắc chính là: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các dân tộc; Không có sự can thiệp, lật đổ hoặc cưỡng ép từ bên ngoài; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thân thiện; Không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, hợp tác với nhau một cách có hiệu quả.
Hoạt động của ASEAN dựa trên các nguyên tắc:
- Nguyên tắc nhất trí (đồng thuận): Một quyết định được coi của ASEAN khi được tất cả các nước thành viên thông qua. Đây là nguyên tắc bao trùm trong các cuộc hội nghị và hoạt động của ASEAN.
- Nguyên tắc bình đẳng: Các nước thành viên đều bình đẳng với nhau trong nghĩa vụ đóng góp và chia sẻ quyền lợi. Mặt khác, hoạt động của ASEAN được duy trì trên cơ sở luân phiên, nghĩa là các chức chủ toạ các cuộc họp các cấp của ASEAN, cũng như địa điểm cho các cuộc họp đó được phân đều cho các nước thành viên theo vần ABC của tiếng Anh.
- Nguyên tắc 6-X: Theo đó, hai hoặc một số nước thành viên có thể xúc tiến thực hiện các dự án ASEAN, nếu các nước còn lại chưa sẵn sàng tham gia, không cần phải đợi tất cả các nước mới cùng thực hiện.
- Các nguyên tắc khác: Các nước ASEAN đang dần hình thành một số nguyên tắc trong quan hệ với nhau, tuy không chính thức, song đều được tôn trọng và tự giác áp dụng. Đó là nguyên tắc “cho và nhận” (có đi có lại); nguyên tắc tế nhị lịch sự, không gây đối đầu; nguyên tắc ngoại giao thầm lặng, cá nhân; nguyên tắc giữ gìn đoàn kết ASEAN, giữ bản sắc chung của Hiệp hội.
Là một thành viên mới, Việt Nam đã và đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ cùng với các quốc gia trong Hiệp hội, xây dựng Đông - Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, phồn vinh, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng, phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của Việt Nam, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển năng động và bền vững của Cộng đồng ASEAN.